Giáo sư Phạm Quang Hưng
“Họ làm được, sao mình không làm được?”
Tại cuộc họp mặt của giới vật lý thiên văn quốc tế mang tên Gặp gỡ Việt Nam lần thứ bảy vừa diễn ra ở TP Quy Nhơn, nhiều người rất ấn tượng với một nhà khoa học gốc Việt, vóc dáng nhỏ bé nhưng rất tự tin, pha chút ngang tàng với mái tóc dài như một nghệ sĩ rock. Ông chính là người đặt viên gạch đầu tiên chuyển giao chương trình vật lý tiên tiến của đại học Virginia (Hoa Kỳ) cho đại học Huế.
Là chuyên gia vật lý lý thuyết tại đại học Virginia, công trình nghiên cứu Sự hạn chế khối lượng của hạt, Khả năng tồn tại không gian thứ tư, thứ năm của giáo sư Phạm Quang Hưng được giới khoa học đánh giá rất cao. Gắn bó với Huế như một định mệnh, sự trở về của ông bắt nguồn từ triết lý sống “giúp được ai là giúp hết lòng”.
Là con út trong gia đình có chín người con, ba là công chức, mọi gánh nặng trong nhà đều đổ dồn lên vai mẹ –một thương nhân, bài học lớn nhất mà ông học được từ cha mẹ là gì?
Một tâm hồn thơ, một sức sống mãnh liệt và tinh thần bất chấp, không ngại gì hết. Là con út nên tôi có thời gian được sống, được trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn. Đó là điều đặc biệt quan trọng với tuổi thơ. Nên với ba đứa con của mình, dù bận rộn với công việc khoa học, nhưng lúc nào tôi cũng muốn có thêm thời giờ để chăm sóc con.
Vì sao rời Việt Nam quá lâu mà tiếng Việt của ông vẫn còn rất phong phú như vậy?
Rời Việt Nam từ năm 1968, nhưng lúc nào tôi cũng háo hức tìm hiểu đời sống của người Việt ở quê nhà bằng cách đọc tiểu thuyết, báo chí Việt Nam. Tôi luôn cảm thấy thiếu thốn, lúc nào cũng muốn tìm hiểu, để hoà nhập vào đời sống cộng đồng người Việt. Từ lần trở về đầu tiên năm 2004 đến nay, năm nào tôi cũng tìm cách về nuớc, và mỗi lần như thế, tiếng Việt của tôi lại được đầy thêm.
Ngay từ nhỏ, ông đã là chàng trai có tính cách nổi loạn. Niềm đam mê khoa học của ông có bao giờ phải đối diện với những thử thách khiến ông dễ chệch hướng?
Mọi thứ tôi có hôm nay đều bắt nguồn từ sự nổi loạn, muốn làm một cái gì đó khác. Ngay từ nhỏ, lúc nào tôi cũng tò mò, thích khám phá những hiện tượng của tự nhiên, cố tìm hiểu vũ trụ được hình thành như thế nào, và tự lý giải theo cách nghĩ của riêng mình. Những thí nghiệm nho nhỏ thời trẻ con kích thích rất nhiều trí tưởng tượng của tôi, nuôi dưỡng trong tôi những câu hỏi bất tận về vũ trụ… Nhưng cũng như bao chàng trai khác thuộc thế hệ mình, nhạc rock cuốn tôi đi. Là cây guitar trong ban nhạc sinh viên, tôi quay quắt với những bản nhạc cuồng nhiệt, đi biểu diễn khắp nơi… Để có thể trở về với niềm đam mê khoa học, đọc sách rất quan trọng. Cuốn sách ấn tượng nhất thời tuổi trẻ của tôi là Những cuộc phiêu lưu của Mr.Tomkins trong vương quốc tương đối và vương quốc nguyên tử của George Gamow. Tôi không chỉ say mê nội dung khoa học của những cuốn sách, mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều ở khía cạnh cá nhân của những khoa học gia, cách họ làm việc, suy nghĩ, khám phá… Tất cả đã giúp tôi vượt qua ảnh hưởng của nhạc rock, và quyết chí đi theo con đường khoa học.
Người thầy nào đã giúp ông hoà nhập được vào môi trường học thuật đỉnh cao tại đại học Virginia?
Tôi không chỉ say mê nội dung khoa học của những cuốn sách, mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều ở khía cạnh cá nhân của những khoa học gia, cách họ làm việc, suy nghĩ, khám phá… |
Môi trường khoa học tại Mỹ rất năng động. Trong nghiên cứu, họ không phân biệt quốc tịch, bất kể ai từ đâu tới nếu làm việc hiệu quả đều được đánh giá cao. Tôi không hề có cảm giác bị lạc lõng trong nghề nghiệp. Người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất từ nhãn quan mỹ học đến triết học là giáo sư gốc Nhật J. J. Sakurai ở đại học UCLA. Ông luôn nói với tôi rằng đừng bao giờ tin những lý thuyết đang thịnh hành là lý thuyết cuối cùng, hãy hoài nghi tất cả. Một điều may mắn nữa là tôi đã gặp anh Trịnh Xuân Thuận, một đàn anh học trước tôi hai lớp ở trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là Lê Quý Đôn).
Cả cuộc đời kiên định theo đuổi một hướng nghiên cứu, ông nghiệm ra điều gì quý nhất, để có thể truyền lại cho sinh viên?
Kiên nhẫn, đừng bao giờ bỏ cuộc, tư duy độc lập mới có thể đi xa, những gì có được phải tự mình, và phải làm việc rất nhiều. Làm khoa học không thể ngắn hạn, phải biết chấp nhận thất bại. Một lý thuyết gia sai lầm một vài năm khi theo đuổi mô hình này, mô hình kia là chuyện bình thường, không vì thế mà cản trở mình tìm hiểu thêm. Nhưng quả thật với tôi, sự kiên trì gần như là bản tính sẵn có từ nhỏ, không thể muốn mà có được, có chăng là nỗ lực của mình, để nó đừng mất đi thôi. Trong lớp học của tôi có một khẩu hiệu được in trên áo cho cả thầy trò cùng mặc: “Khổ trước sướng sau”, đó cũng là con đường của khoa học. Để ngộ ra một chân lý nào đó có khi phải mất cả đời, hoặc nhiều đời. Những gì khiến mình mất ăn mất ngủ, khi tìm ra thấy ý nghĩa lắm. Để có một hướng nghĩ, giải một bài toán, phải làm tới cùng, với tất cả sự đam mê. Cuộc đời tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ quyết liệt lắm, nhưng tôi luôn tự nói với mình phải quyết liệt nhiều hơn. Dù sao, tôi vẫn còn một phần dè dặt trong bản tánh người Á Đông. Tôi luôn đấu tranh để dẹp nó xuống bằng cách nghĩ: “Họ làm được, sao mình không làm được?”
Đến với Gặp gỡ Việt Nam lần thứ bảy, điều gì khiến ông thú vị nhất?
Tôi rất ấn tượng với công trình của Đàm Thanh Sơn về lực liên kết các hạt, đó là một tính toán rất kỳ công, đưa ra khái niệm hoàn toàn mới có thể thay đổi bài toán rất khó sang một bài toán khác dễ giải hơn. Tôi hy vọng Sơn sẽ nhận được giải thưởng lớn, nhưng để kiểm chứng kết quả này, cũng phải mất nhiều năm nữa. Tuy nhiên, người Việt Nam còn quá ít trong cộng đồng vật lý thế giới, trong khi người Trung Hoa lại rất đa dạng, họ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Càng có thế lực, càng có tiếng nói nhiều hơn. Nhưng tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ. Một vài em ở Huế cũng rất triển vọng.
Một số người cho rằng thời internet không cần dự hội thảo cũng có thể nắm bắt mọi thông tin, điều đó không đúng. Sự gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà khoa học với nhau về một đề tài mà mình đang nghiên cứu sẽ nảy ra nhiều suy nghĩ, tìm tòi, hợp tác mới. Phần nữa là đi để gặp lại bạn cũ. Rất khó để có thể tìm được bạn thân trong cùng một ngành khoa học, để có thể tin cậy, yêu thương, chuyện gì cũng có thể tâm sự, đó là một hạnh phúc hiếm hoi. Con đường khoa học đôi khi rất cô đơn… Tôi chỉ tiếc là giới khoa học Việt Nam dường như không quan tâm đến sự kiện này, có lẽ không có nhiều người làm trong một trình độ có chất lượng cao nên họ ngại tới, đó là một thực tế.
Suốt tám năm gầy dựng và nuôi dưỡng chương trình Vật lý tiên tiến thí điểm của bộ Giáo dục và đào tạo dựa theo chương trình gốc của khoa vật lý đại học Virginia tại đại học Huế, ông đánh giá thế nào về hiệu quả chương trình?
Rất khó để có thể tìm được bạn thân trong cùng một ngành khoa học, để có thể tin cậy, yêu thương, chuyện gì cũng có thể tâm sự, đó là một hạnh phúc hiếm hoi. Con đường khoa học đôi khi rất cô đơn... |
Khó nhất là xây dựng được phòng thí nghiệm cho sinh viên, tìm được những giáo sư từ bên Mỹ và nước khác qua giảng dạy. Không dễ bởi những người đang làm khoa học, bỏ một tháng qua Việt Nam là rất quý. Tôi phải thuyết phục rất nhiều. Từ năm 2007 đến nay đã có gần 30 lượt giáo sư, tiến sĩ là giảng viên các trường đại học danh tiếng nước ngoài về giảng dạy và nhiều đoàn sinh viên Huế đi học tập và làm việc tại đại học Virginia. Khoá đầu tốt nghiệp năm 2010, hơn mười em được đi du học, sáu em được công ty công nghệ cao Renesas-Nec của Nhật nhận vào làm. Đó là cả một nỗ lực dài xây dựng lại nền tảng tư duy. Sự khác biệt của mô hình đại học Vigrinia chính là rèn luyện tư duy để phát triển, để làm việc, không chỉ với vật lý, mà trước mọi câu hỏi của cuộc đời phải biết cách tìm ra câu trả lời. Tăng sự đối thoại giữa sinh viên và người thầy, trong thi cử, hoàn toàn phải hiểu khái niệm mới làm được, không lặp lại những gì đã biết. Đến nay, mô hình này chỉ áp dụng ở Huế. Tôi hy vọng bộ Giáo dục và đào tạo có kế hoạch phổ cập mô hình này rộng hơn, nhưng quả thực không dễ dàng để tìm được số lượng lớn giáo sư từ Mỹ về vì chi phí rất cao. Với Huế, chỉ hoàn toàn nhờ quan hệ cá nhân của tôi. Huế cũng vừa thành lập trung tâm vật lý lý thuyết và vật lý tính toán mà tôi là một thành viên trong ban cố vấn. Tôi có ý định sẽ kéo những nhà vật lý từ những cuộc hội thảo ở Quy Nhơn về Huế nếu có cơ hội… Thôi thì cứ làm những gì phải làm, tới đâu hay tới đó, không phải cái gì cũng xảy ra như mình muốn.
PGS.TS Nguyễn Thám, hiệu trưởng đại học Sư phạm Huế: “Một nhà khoa học tâm huyết với giáo dục Việt Nam, là cầu nối giữa đại học Huế với đại học quốc tế trong những chương trình vật lý, tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học và trường hè vật lý để sinh viên có thể tiếp cận với vật lý tiên tiến ở nước ngoài. Tạo được uy tín cao trong đồng nghiệp quốc tế, gần gũi, hoà đồng với sinh viên, được sinh viên hết sức kính trọng và yêu thương. Anh đã được trao danh hiệu Giáo sư danh dự của đại học Huế nhờ những tình cảm sâu nặng anh dành cho Huế suốt nhiều năm qua”. Lê Thị Ngọc Trinh, sinh viên năm thứ tư chương trình Vật lý tiên tiến đại học Huế: “Việc tiếp xúc thường xuyên với các giáo sư nước ngoài và các bài giảng hấp dẫn khiến em như được mở ra một chân trời mới. Nghiêm túc và tràn đầy nhiệt huyết, mỗi bài giảng của thầy như lôi cuốn tất cả sinh viên vào những điều mới mẻ. Cách truyền đạt kiến thức của thầy làm cho em có những cái nhìn thú vị về vật lý và niềm đam mê với bộ môn này cứ lớn dần lên. Vui tính, dễ hoà đồng với sinh viên, thầy còn là người rất yêu âm nhạc, trẻ trung và năng động. Phong cách giản dị, lối sống cởi mở, ân cần, chu đáo, vì thế chúng em không bao giờ ngại ngùng đặt các câu hỏi mà mình còn thắc mắc về bài giảng hay tâm sự những khó khăn trong học tập. Thầy thấu hiểu những điều đó và luôn tìm cách giúp đỡ sinh viên”. |
Vì sao ông chọn Huế?
Tôi nghĩ chính Huế đã chọn tôi. Mỗi lần về đây, tôi được trở lại những gì của tuổi thơ đã nằm sâu trong tiềm thức… Mỗi lần trở về, tôi thấy càng ngày càng gắn bó, hoà hợp hơn với Huế, với người Huế. Nhiều người còn thành kiến với Huế, chỉ coi Huế là nơi phát triển du lịch, tâm linh là rất sai lầm. Bạn bè nước ngoài của tôi cũng thích Huế bởi con người ở đây hiền hoà, khiến họ rất thoải mái.
Làm thế nào để ông có thể giữ được nụ cười luôn tươi trẻ và ấm áp?
Chơi nhạc. Đêm nào tôi cũng dành thời gian cho cây guitar. Âm nhạc giúp cho mình bớt căng thẳng, mọi điều tự nhiên nhẹ nhàng hơn, giống như được đi vào một thế giới mới, tràn đầy cảm xúc. Cậu con út chín tuổi của tôi cũng rất mê nhạc rock của bố. Mỗi lần chở con đi học piano trong một cửa hàng bán nhạc cụ lớn, tôi như được trở về tuổi thơ, lạc trong một tiệm đồ chơi vậy… Tôi cũng mê tiểu thuyết của Murakami, Margaret Atwood, và cả Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… Thời trẻ, tôi còn làm thơ nữa đó (cười)…
Tôi là một người đến già vẫn còn mơ mộng. Năm tháng không làm cho sự lãng mạn trong mình mất đi, chỉ càng tinh tế hơn.
Nhìn vào giới trẻ hôm nay, điều gì khiến ông lo lắng nhất?
Giới trẻ thế giới nói chung, không chỉ Việt Nam, đều thiếu sự dấn thân. Phần lớn chỉ lo làm sao kiếm thật nhiều tiền, vun vén cho cuộc sống cá nhân. Ít ai nghĩ đến chuyện giúp người khác, hoặc nghĩ đến cộng đồng. Một điều đáng buồn nữa là họ ít đọc sách. Nhìn vào nguyện vọng đăng ký vào đại học sẽ thấy: phần lớn là vào các ngành kinh tế, ít ai theo đuổi khoa học cơ bản. Sự rung động trước những vấn đề của cộng đồng cũng ngày một nguội lạnh…
Bí quyết nào đã giúp ông vượt qua những thất bại, hụt hẫng về tinh thần?
Đời người luôn phải đối diện với sự bất như ý, nhưng bản tánh của tôi lúc nào cũng muốn ngẩng đầu lên, không muốn để cái gì đè mình xuống. Có lẽ nhờ lúc nào cũng cố vươn đầu lên mà mọi thứ khó đều qua đi. Ai chẳng có lúc tuyệt vọng, cách mình thoát ra tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Những lúc như thế, hãy ngồi xuống, nghe một bản nhạc xưa hay đọc một quyển sách, một bài thơ… bạn sẽ thấy mọi điều thấm thía, rõ ràng hơn nhiều.
Điều gì ông muốn truyền lại cho con?
Tính độc lập. Cái gì mình có thể làm được phải nỗ lực tới cùng, đừng ỷ lại một ai hết, kể cả người thân thiết nhất.
Mong muốn lớn nhất của ông là gì?
Làm sao có thể về Việt Nam nhiều hơn, để giúp được nhiều bạn trẻ hơn trong ngành vật lý thì bản thân tôi rất mãn nguyện.
THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG
Theo sgtt
0 nhận xét:
Post a Comment