Jan 12, 2012

“A Taste of Asia ” – Hương vị quê nhà


“A Taste of Asia ” – Hương vị quê nhà 

Phương "N" 

MDC 74 

 


Tôi có cô em gái bà con, con của dì tôi sống ở bên Đức, cô này là một “yuppie” thứ thiệt. Trẻ, độc thân và là một bác sĩ nữa. Mấy năm trước em (bà con) tôi được một bệnh viện ở Úc cho cái hợp đồng loại dành cho bác sĩ chuyên khoa nước ngoài để tuyển cô nàng đến Úc làm việc cho bệnh viện ở thành phố Gosford cách Sydney gần trăm cây số. Xong bệnh viện đó, lại được bệnh viện khác mời tiếp. Vậy là cứ nơi một vài năm, chỗ mười mấy tháng, cô em tôi quảy ba lô một mình một xế lang thang lúc ở Gosford, khi thì Alice Spring , rồi Darwin … mỗi nơi một chút. Đến Úc chưa bao lâu mà hành trình đi dạo xứ downunder của cô nàng coi bộ đã xẻ ngang cắt dọc gần hết sa mạc nước Úc. Ngó bộ về đường chu du nam bắc ở xứ Úc nàng này dám còn rành hơn nhiều người mang tiếng đã ở Úc Thòi Lòi từ thời “boat people” như tôi. 

Chuyến rồi, cô em họ tôi lại đáo về làm việc ở bệnh viện Sydney , lần này cô nàng thuê cái apartment ở khu biển Coogee để ở cho gần chỗ làm. Ngày dọn nhà em tôi chỡ đến chỗ tôi gửi ông anh họ của mình cất dùm mấy cái thùng giấy to tướng, quấn băng keo kỹ lưỡng, nói là anh cứ bỏ trong garden shed chừng nào cần em đến lấy. Vậy mà rồi đã ba mùa hoa mận trôi, xác hoa rụng đầy nóc mái nhà kho ngoài sân vườn mà mấy cái thùng giấy vẫn còn nằm im lìm trong đó. Em tôi bây giờ đã định cư luôn lại xứ Úc, và cô nàng cũng hằng hay lui tới thăm viếng vợ chồng tôi. Nhưng dường như cả cô nàng lẫn ông anh này dường như cả hai đã quên luôn mất tiêu mấy cái thùng giấy carton được gói ghém cất kỹ trong kho. 

Cho đến khi hôm rồi, xóm tôi ở có giấy báo của hội đồng thành phố gửi báo lịch thu dọn đồ phế thải, nhà nào có thứ gì không xài, không biết bỏ đâu thì đem ra trước cửa để chờ xe rác đến lấy, việc này ở Úc cứ mỗi sáu tháng thực hiện một lần. Vì vậy tôi đi mua cái cưa máy về dứt hai cây trắc bá diệp mọc sát hàng rào mà tôi không ưa. Cái cây này thân ốm nhưng lại ao vút lá rụng bay theo gió phủ tấp vào máy nhà, mỗi năm cứ hai mùa mưa nắng làm nghẹt máng xối, vợ cứ bắt leo nóc nhà cào xuống hoài cực chết (cha) luôn. Tôi dứt hai cây to, rồi chặt khúc lôi ra lề đường cho xe rác lấy. Sẵn dịp tống khứ đồ phế thải, tôi lục lọi vòng quanh nhà coi có thứ gì cần liệng đi luôn hay không, thì mới nhìn lại mấy cái thùng giấy của cô em tôi gửi hồi mấy năm trước. 

“Mèn đét ơi!” chủ nhân của nó, và tôi cái thằng giữ dùm đã quên phứt mấy cái thùng này trong nhà kho bấy lâu nay. Bây giờ nó “tả tơi hoa lá cành” nhan sắc tiều tụy suy tàn theo năm tháng… Tôi quên nói là cái nhà kho chứa đồ làm sân vườn của tôi còn bị dột nước mưa nữa. Không biết là nước mưa dột làm mục giấy thùng carton hay chuột khoét mà có mấy thứ linh tinh nho nhỏ trong đó đã rơi ra ngoài. 

Thôi thì coi như đóng góp chút công lao cho… cách mạng vậy. Tôi tìm cái thùng bự khác nguyên lành hơn để gói cất lại mấy thứ em tôi gửi. Và khi tháo thùng ra thì tôi phải kêu “mèn đét ơi!” thêm lần nữa. Trong mấy cái thùng giấy được cô em tôi “lưu kho” ở nhà tôi mấy năm nay chỉ là những hộp giấy trống, lớn nhỏ đủ cỡ. Đây (chắc) là “tất cả” những hộp đựng các thứ linh tinh của cô nàng đã mua trên đường rong rủi từ bệnh viện này qua bệnh viện kia, tiểu bang này qua tiểu bang nọ của xứ Úc. Một hộp đựng máy sấy tóc, bỏ trong chiếc hộp đựng cái bàn ủi, và cả hai hộp này lại nằm trong một hộp khác của cái nồi cơm điện v.v… Cái nhỏ bỏ vô cái lớn, cái lớn bỏ vào cái lớn hơn, cái lớn hơn bỏ vào cái bự tổ. Cách sắp xếp này chắc là được cô em đốc tờ chuyên khoa của tôi làm một cách rất là cẩn thận và “khoa học” theo cách của một bác sĩ chuyên khoa tân tiến nữa. Ngay ngắn, hộp nào ra hộp đó. Tôi không biết cô nàng “yuppie” của thời đại này chứa lại mấy cái hộp giấy trống không này, rồi gói lại cẩn thận đem đi gửi để… làm gì. Nếu cần hộp để dọn nhà nữa thì cứ ra siêu thị, hay mấy shop Việt Nam quơ một cái bao nhiều thùng không mà chẳng có. Bây giờ chuột khoét thủng đáy thùng, trời mưa dột rách teng beng. Liệng đi chứ còn gói lại làm gì nữa. Điện thoại hỏi cô em thì được nàng “ỏn ẻn” cho biết em giữ lại để… kỷ niệm! Quỷ thần ơi! Kỷ niệm gì kỳ cục vậy với mấy cái hộp giấy shopping? 

Đó cũng còn chưa “ác liệt” bằng chuyện kỷ niệm của “mẫu hậu” (của hai cô con gái) nhà tôi. Một hôm tôi ẳm “thánh nữ” nhỏ, vừa mới thôi nôi, theo phò “thánh mẫu” và “thánh nữ lớn” tám tuổi đang tung tăng dạo vòng vòng trong shopping, bỗng đâu chiếc giày của “người” (chắc là hàng Trung Quốc loại giá rẻ chất lượng… nháy hiệu cao) bị rơi gót rồi đứt luôn sợi dây quai gài. Vậy là đành ghé vào tiệm giày mua đôi khác thay đổi liền tại chỗ. Cô bán hàng lịch sự gói đôi giày đứt quai lại trao cho khách. Ra khỏi tiệm giày bà xã đưa cho tôi cầm. Dĩ nhiên rồi, có thằng đờn ông nào “được” vợ dẫn đi shop mà không phải để ẳm con và cầm dùm vợ lỉnh kỉnh mấy cái bao lớn gói nhỏ đâu chứ? Nhưng đây là chiếc giày đứt quai mà cầm làm gì. Vậy là đi ngang qua cái thùng rác, tôi lấy cái bao giày hư ra định tống vào cho gọn thì bà xã kêu lên giữ lại “É… éh… anh đừng liệng của em!” Tôi ngạc nhiên “Anh đâu biết sửa giày đứt quai đâu, giữ lại làm gì…?” Vợ tôi chặc lưỡi nũng nịu “Cứ giữ cho em đi, mang nó từ nào giờ kỷ niệm của người ta mà… Đàn ông mấy anh… không biết gì hết trơn!” 

Ừ giữ thì giữ, lệnh của “thánh mẫu” đã ban đứa nào dám cải chết liền! Chiếc giày rơi gót đứt quai đó được theo các gói đồ shopping khác về nhà, nhưng tôi không lấy vào nhà mà để nó ở thùng xe. Ba tháng, rồi sáu tháng sau, gần năm sau… Bao nhiêu lần tôi dọn rác mấy đứa con xả trên xe, bao nhiêu lần xịt nước rửa xe, mỗi lần thò cái đầu vô cốp xe thì thêm một lần tôi biết chỉ có mình tôi thăm viếng cái “kỷ niệm” gì đó của vợ tôi, còn chủ của đôi giày hư “kỷ niệm” này, dường như đã quên mất tiêu là mình đã có lần yêu cầu chồng giữ lại một món đồ đã được nàng sắp hạng là “di tích văn hóa lịch sử” … 

Thiệt đúng là đàn ông chúng tôi “không biết gì hết trơn” nhất là mấy thứ thuộc “tư duy” của quý bà. Hay đúng ra là … Biết … chết liền! 

ooOoo 

Chỗ tôi ở là rìa của quận hạt Cabramatta, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt tại Úc. Bước vào khu vực này người Việt thường có cảm giác là mình đang mượn đất người để làm quê ta. Cửa hàng, chợ, quán xá, người qua kẻ lại toàn Việt Nam . Tiệm rau, tiệm cá, tiệm trái cây ở Cabramatta mấy năm gần đây vừa được mấy ông bà chủ tiệm mới “nhập” từ Việt Nam qua thêm tiếng rao hàng ơi ới… “Sầu riêng bao ăn, bốn đồng ký rẻ lắm chị Hai ơi…” “Cá kèo Việt Nam mới qua tươi rói nấu canh chua lá giang nhậu ngon chà bá luôn nè đại ca ơi...” “Cải bẹ xanh nhà trồng hai đồng ba bó nè chị hai ơi” … “Cua sống mập ù Darwin mới đem về sáng nay… Cá chẻm béo lội trong hồ “đao” (down) từ 21 còn 17 đồng ký nè… ” 

Cứ như thế, tiếng rao hàng chợ ở Cabramatta dường cũng góp phần mang luôn cả một hình tượng quê hương của xứ mình đang “bành trướng” sang đất khách. 

 

Cabramatta đã gắn bó với người Việt (và luôn cả người Úc nữa) ở tại Sydney này chí ít gì cũng đã hơn ba mươi năm qua rồi. Người Việt tại Cabramatta đã đóng góp một phần không nhỏ cho xã hội đa văn hóa Úc chứ giỡn chơi sao. Thì đó! Năm rồi nghe đâu bà Đài Lê một người Việt ra tranh cử dân biểu với ông thị trưởng Nick Lalich ở khu Cabramatta lúc trước có nói “nội cái tiền phạt xe đậu bậy (của người Việt) tại Cabramatta không thôi đã lấn đến hai phần ba tổng số phạt trên toàn… tiểu bang NSW của Úc…” lận. Nếu đúng thật vậy thì quả là người Việt mình chơi… đáng nể mặt anh hùng lắm đó nghen! 

Có lẽ vậy nên xưa nay dù báo chí có phanh phui mấy chuyện xấu của dân mình, nào là người Việt trồng “cỏ” (cần sa) khắp nơi, người Việt phối hợp với tài xế Vietnam Airlines bay qua bay lại có mấy chuyến rửa tiền lậu cả mấy triệu đô, người Việt đi du lịch Việt Nam cầm hàng trắng (bạch phiến) qua bị bắt tử hình tại Việt Nam, treo cổ tại Singapore, phụ nữ Việt (tại Úc) tù tội nhiều vì nợ cờ bạc v.v… và v.v… 

Kệ (mẹ nó)! Mấy tờ báo (đời báo kiếp) của Úc đó ai nói gì thì nói, miễn qua nhiều đời thị trưởng của thành phố Fairfield (quận hạt Cabramatta thuộc thành phố Fairfield), ông thị bà thị nào, cũng “thương” dân Việt mình hết biết là Ok rồi. Chứ sao, cứ mỗi mùa bầu cử là các ứng cử viên khu vực lại mon men ca bài “tình thương mến thương” với người Việt Nam thật thấm thiết (để kiếm phiếu) đó không thấy sao. Những lúc này dường như người Việt nào của xóm Cabramatta cũng có niềm tự hào thiệt “vĩ đại” vì mình được là người Việt Nam chứ hỏng phải người (mọi) gì khác. 

Chứ còn gì nữa. Cabramatta ngày nay không chỉ là thủ phủ của người Việt tại Úc mà còn là một tài nguyên đáng giá của Úc trong ngành du lịch nữa, có ai hỏng biết điều này đâu. Ngay góc ngã ba từ ngoài đại lộ Hume Highway rẽ vô đường Cabramatta du khách đã thấy một tấm bảng colourful chình ình của hội đồng thành phố Fairfield dựng lên từ đời cố lủy nào với hàng chữ “Discover Cabramatta a Taste of Asia” để chào mừng du khách đến khám phá hương vị Á châu (nơi đất Úc). 

 

Cứ ghé Cabramatta là thấy Á châu liền khỏi phải đi Hongkong hay Trung Quốc chi cho xa. Những công ty lữ hành tour du lịch của Úc cũng thiết kế nhiều tour tham quan Cabramatta và các đặc sắc trong vùng như Fairfield City Farm, Cabravale Club, Leisure Centre, Fairfield City Museum , Gallery, khu picnic ở Regional Park, hay đi dạo chợ trời Fairfield Showground v.v… 

Và một trong các quảng cáo chủ lực để thu hút du khách đến Cabramatta được hội đồng thành phố Fairfield (chứ không phải cộng đồng người Việt mình) tổ chức thật trọng thể hàng năm đó là lễ hội Trung Thu và Tết Nguyên Đán trên con đường John Street huyết mạch ngay thủ phủ Cabramatta. Những tổ chức lễ hội này đã thành công vượt sức tưởng. Hàng năm thu hút gần cả hai trăm ngàn lượt du khách (Úc) đã đến tham dự trong ngày lễ Trung Thu hay Tết Nguyên Đán của Việt Nam tại Cabramatta. Nghe đâu họ (hội đồng thành phố Fairfield ) thừa thắng xông lên định “mần” thêm mấy cái lễ phụ khác của người mình như Vu Lan báo hiếu hay cúng cô hồn rằm tháng Bảy gì nữa đó … 

 

Như vậy rõ ràng là chính quyền địa phương của thành phố Fairfield đã “mượn đỡ” chiếc áo của người Việt mình tại Cabramatta để bày hàng thu hút du khách ghé bến xem chơi. Không ai biết hội đồng thành phố được lợi nhuận bao nhiêu trong việc đem Cabramatta làm điểm đến của du lịch Á châu trên xứ Úc, nhưng người ta biết chắc rằng nếu không có người Việt tại Cabramatta thì Cabramatta (theo nghĩa từ tiếng thổ dân) ngày nay cũng vẫn còn là một “đầm rắn”. Và chắc chắn là ngân quỹ của tiểu bang sẽ không tăng thêm được một số tiền khổng lồ hàng năm từ tiền bị phạt xe đậu bậy của người Việt tại Cabramatta. Đó! Người Việt mình cũng góp phần xây dựng thêm cho sự giàu mạnh của nước Úc, xứng đáng tự hào “vẻ vang dân Việt” lắm chứ bộ. Đâu phải chỉ toàn biết có mỗi chuyện trồng cỏ, bán xì ke, gian lận trợ cấp như mấy tờ báo (đời) kia nói đâu 

Chỉ có điều, lóng rày... Hình như có nhiều người hơi bị phiền lòng với mấy bà cao niên Việt Nam mình quá đi. Thiệt không biết nghĩ sao mà mấy bả lại tụm năm tụm ba bày chợ ra bán hàng xén ngay trên lề đường John Street là con đường “mặt mũi” của người mình tại trung tâm Cabramatta. Mấy bà trải tấm mủ dưới đất, vài cái thùng giấy, hay thùng nhựa nhỏ, rồi bày ra đó vài bó rau thơm, mấy cọng bạc hà (dọc mùng), dăm ba gói ớt v.v… Thêm linh tinh mấy thứ bánh trái, chè cháo nữa. Toàn hàng “home made” loại rau ớt tự trồng, bánh trái tự làm ở nhà không qua hãng xưởng kiểm nghiệm vệ sinh gì ráo. Ai đi qua đi lại thì mấy bà khều khều nhè nhẹ vạt áo người ta kêu lại mời “cậu Hai, ăn xôi vò mới nấu nóng hổi nè cậu Hai, bánh ú nhưng đậu ngon lắm mua dùm đi cô ba…”. Bữa nào nhát thấy dáng nhân viên hội đồng thành phố đi tuần từ xa thì mấy bà cuốn gánh mà… chạy, y chang như cái thời công an đuổi chợ trời ở trong nước. 

Nhiều người “rủa” đám con cái của mấy bà già này ở đâu không biết nữa. Sao không lo cho cha mẹ mình để mấy bà lê lết bán rong ngoài đường phố, vừa phạm luật vừa phạm… thể diện quốc gia quá xá trời đi. Thiệt là sống ở “nước ngoài” mà không ý thức gì hết trơn. 

Hôm rồi, trong lúc ôm hai đứa con gái ngồi nghỉ chân trên băng ghế lề đường và giữ cái xe đẩy cho “thánh mẫu” tụi nó đi chợ trên đường John. Ngay trước mặt tôi là một bà dì cao niên bán đủ thứ thập vật dồn trong đến bốn cái xe hàng rong (loại xe kéo đi chợ) được bà bày hàng trên mấy cái thùng giấy xếp ngang trước mặt bà. Cạnh bên thêm vài bà “bạn hàng” khác cũng y vậy. 

Phải thành thật mà khai báo cùng quý bạn đọc lúc nhỏ tôi là một đứa hay ăn quà vặt ngoài đường lắm. Bây giờ lớn cũng y chang vậy hà! Gặp ai bán thứ gì ngoài lộ tôi cũng muốn ăn. Vậy là tui chốp của bà Bảy mấy cái bánh dầy gói lá chuối xanh có quấn miếng chả quế bên trong. Chưa đủ bụng, tôi xoay qua dì Năm dớt thêm hộp bánh bò nướng chan nước cốt dừa có rắc mè nữa. Trong khi chờ mẹ nó đi chợ tui dứt điểm mấy thứ đó liền tại chỗ. Đứa con gái lớn của tôi cũng noi gương ba nó quất trọn hộp bánh da lợn dẽo nhẹo. Ngon ơi là ngon! Dường như bản chất của đàn ông là ăn vặt ngoài đường nó ngon hơn ăn “cơm” nhà vợ nấu (xin đừng ai diễn nghĩa gì hết nghen). Vừa ăn vừa lân la hỏi thăm chuyện buôn bán của mấy bà dì. Tôi xài tiếng “lục tỉnh” rặc để “đối thọi” với mấy bà 

“Dì Năm cho hỏi thăm dì bán ở đây lâu chưa? Dì có con cái gì hôn? Dì ở đây dới ai sao lại đi bán hàng rong như dầy....” 

Bà dì bán hàng thấy tôi tuôn một hơi năm bảy câu hỏi giống y chang công an trong nước hỏi tội phạm hình sự nên nhìn tôi với ánh mắt dọ dẫm… Hỏi lại 

“Mờ ... cậu hỏi chi dậy?” 

“Dạ, hỏi thăm cho biết để con dề diết bài đăng báo cho người ta đọc chơi!” 

“Ý chèn đét mụ nội tao ơi. Đã đi bán chui mà mày còn đăng báo là chết cha tao luôn đó nghen. Thôi… thôi… đừng đăng gì ráo á…” 

Tôi vội trấn an bà dì 

“Hỏng có đâu, con hỏng nói gì đến tên của dì Năm hay tên ai hết đâu…” 

“Không… không… hỏng đăng tên cũng hỏng được nghe mậy….” 

Nói gì thì nói, mấy bà hàng rong tức khắc đổi sang thế phòng thủ với cái thằng mua có hộp bánh bò rồi nhiều chuyện này. Mấy bà chuyển đề tài để tôi không khai thác thêm được gì chuyện đi bán ‘chui” của mấy bà. 

Không hỏi được thì tìm cách để mấy bà tự khai, tôi lân la “tám”qua chuyện khác.. 

“Hôm tuần rồi, mấy bữa Sydney có sương muối lạnh cóng hén. Ở đài nói cả mười năm nay mới trở lại mấy bữa lạnh dữ như dậy. Chỗ dì năm có bị lạnh hôn?” 

“Sao không mậy, sáng mở mắt ga (ra) trên đất trắng xóa như gắc (rắc) muối hột dậy. Nữa đim (đêm) nó lạnh thấu xương mấy bà dà tụi tao luôn…” 

“Dậy là mấy cây ớt, cà chua trong dường (vườn) của dì chắc hư gáo chọi hết hả” 

“Ờ… bạc hà, chúi, gao thơm (rau thơm) gì cũng… chái (cháy) gáo” 

“Ủa sao lạnh mà bị chái” 

“Thì … bị cóng nước thành dàng lá tao kiu chái chứ hỏng phải lửa chái…” 

“Ngộ héng” 

“Ngộ bà nội tao chứ ngộ gì. Nội ớt không tao mất mỗi cây cũng mấy chục bạc.” 

“Chời, vậy là nếu không bị lạnh làm hư dường, mỗi năm dì Năm dào (giàu) sụ héng” 

“Dào mẹ dì có mấy chục bạc mậy” 

“Thì dì nói mỗi cây kiếm mấy chục đồng, dì trồng ngàn cây là quơ mấy chục ngàn gồi. Đó là mới kể ớt không, còn mấy thứ khác nữa chi… “ 

“Chời đất! Thằng này nói chuyện giả ngộ mậy… Ớt gì ngàn cây. Tao chỉ có chục gốc thôi… Còn bạc hà bốn bụi chứ mấy… Nhà có chút xíu sân phía sau có đất thôi, làm như tao là chủ “qua quít pham” ( Warwick farm) dậy trồng ngàn cây. Dỡn chơi quài mậy.… 

“Dì có con cái gì ở đây không” 

“Có, đứa trai đứa gái. Đứa gái có chồng ở giêng gồi (riêng rồi), thằng anh nó có tiệm “phi ni chơ” (furniture) ở “mao gích chạt” (Mt Pritchard) … Thằng này chưa dợ. Nó sợ lấy dợ rồi con dợ nó hổn dới tao nên ở dậy dới tao tới giờ.” 

“Dì ở chung với con trai, con dì còn có tiệm kinh doanh nữa, đâu tốn chi phí gì, mà còn lãnh tiền “lương già” (trợ cấp pensioner) nữa. Sao không nghỉ đi chơi đây đó cho phẻ. Trồng trọt, rồi làm bánh trái đẩy đi bán chui chi cho cực vậy?” 

Nãy giờ nói qua nói lại có vẻ khá thân tình, dì Năm dường như quên mất là tôi đang cố “moi” tin nên tâm sự. 

“Thì biết dậy rồi… Nói cho cậu nghe (bà dì đổi giọng nghiêm túc hơn, không còn mày tao thân tình như nãy giờ nữa). Tui với ổng qua đây với hai đứa nó hồi tụi nó còn nhỏ. Bây giờ ổng “đi” gồi còn mình ên tui với thằng con trai. Ở bên Việt Nam tui còn mấy đứa cháu kêu bằng cô. Con Hồng con của em trai tui vừa mới được dô đại học. Ba nó đi lính miền nam hồi trước, bị thương hồi gần “hòa bình” gồi tàn tật luôn đâu làm lụng gì được, mà thương phế binh “ngụy” thì đâu có “chế độ” gì như bên thương binh liệt sĩ của “người ta” đâu…Má nó cũng buôn bán gánh hàng ngoài chợ thôi…“ 

Nhìn ra con lộ dập dìu tấp nập đoàn xe nối đuôi nhau phía trước. Chiếc ra, chiếc vào chen nhau tìm chỗ đậu… Ánh mắt dì Năm mông lung theo ánh đèn sau đuôi xe, dường như dì muốn thả hồn trôi theo đoàn xe, tưởng như những chiếc xe đang trên đường thiên lý đưa dì về tận quê nhà. 

“Tui nói cậu nghe, tui già rồi, ở đây sao cũng được, chứ thấy con cháu bên nhà tụi nó thiếu thốn không đủ tiền đi học thì tui không đành lòng… Gia đình tui ở miệt quê chứ đâu phải người thành phố giàu có gì đâu. Thôi thì chịu cực đi bán kiếm thêm chút mà có thêm vài chục cho tụi nó đi học… Biết sao giờ. Buôn bán “chui” như dầy cũng khổ lắm chứ. Thằng con trai tui nó “xì nẹt” tui hoài. Hỏng cho tui đi bán, nó nói má có thiếu thốn gì đâu… Nó đòi dọn nhà đi chỗ xa cho tui hết biết đường dìa “cáp ga má ta” (Cabramatta) này bán. Nghĩ cũng khổ, con cái nó đâu hiểu mình, tui trồng hành trồng ớt làm bánh đi bán có phải cho tui đâu. Tiền “lương” người già, cộng tiền bán mỗi tháng được nhiêu tui gửi về cho mấy đứa cháu ở bển hết, mong tụi nó đi học có biết chữ thì mới thoát nghèo được mà đừng khổ như cha mẹ chúng cậu ơi….” 

May mà hộp bánh bò chan nước dừa tôi cũng vừa ăn xong, chứ không thì khi nghe tâm sự của dì Năm này làm tui mủi lòng dám bị mắc nghẹn nuốt không vô lắm chứ không chơi. 

Dường như trong lòng những người phụ nữ Việt Nam nơi đây ai cũng có một ngăn nào đó để mang theo vài gói hành trang kỷ niệm. Có những kỷ niệm thuộc loại “ấm ớ hội tề” nhưng vẫn được giữ khư khư (dù chẳng bao giờ được mang ra nhìn trở lại) như kỷ niệm mấy cái hộp giấy đựng máy sấy tóc, bàn ủi, nồi cơm điện của cô em gái tôi, họặc kỷ niệm với chiếc giày rơi gót đứt quai của vợ tôi. Giữ lại những thứ “tào lao binh” đó không hẵn để hàng ngày phải nhìn ngắm nó mới tìm về được quá khứ, mà thật ra người ta muốn ghi nhớ đánh dấu thêm vào một ngăn nào đó trong ký ức mông lung của đời mình, về một khoảnh khắc, một sự việc gì đó đã đi qua. 

Và cũng dường như mỗi người phụ nữ Việt Nam ở đây đều có một cách khác nhau để tìm về kỹ niệm của riêng mình. Nếu như cô em họ và bà xã tôi, giữ lại vài món “gia bảo” của mấy nàng để ghi thêm kỷ niệm vào bộ nhớ của ngăn đời, thì với những người phụ nữ đã trải mình gần hết đoạn đường phải đi trong cuộc sống như dì Năm, chuyện đi bán bánh bò ở Cabramatta của dì cũng là một cách tìm về kỷ niệm. Kỷ niệm có thể chỉ là những đau thương của dì đã rơi rớt trên đoạn đường vượt biển năm xưa. Những quay quắt của cuộc sống trong mấy muơi năm viễn xứ quê người, Những còn lại trong trí nhớ cùn mòn của một người cao niên về một quảng đời thơ ấu với anh chị em ở miền quê có cây cau bóng dừa mát rọp những buổi trưa hè. Tất cả những thứ đó đã đủ thành vết hằn của loại kỷ niệm luôn làm cay mắt nhớ thương. Thời gian dù có trôi nhưng không bào mòn đuợc kỷ niệm luôn trong lòng họ. Rỉ rả như nước chảy qua những hòn đá dưới con lạch, như rong rêu chập chờn níu giữ, cho cuộc sống tha phương của họ luôn lệch lạc giữa mênh mông sầu muộn, dù nơi phố chợ đông người hay giữa những tiện nghi văn minh phố thị…Bây giờ họ tìm đường về chốn cũ, tìm lại kỷ niệm xưa bằng đem cuộc sống của chính mình tảo tần nơi xứ lạ để “sống dùm” cho người thân nơi quê nhà. 

Không biết hội đồng thành phố Fairfield có đồng tình cho quý bà cao niên như dì Năm, dì Bảy đi bán chanh ớt “chui” trên đường phố ở Cabramatta này hay không, hay là quý ngài thị trưởng cứ “mắt nhắm mắt mở” coi đó như “a taste of Asia” để thu hút du khách du lịch đến vùng của mình? Cũng dám vậy lắm à nghen, nên dường như sự dẹp đuổi mấy xe hàng rong chiếm lòng lề đường của mấy bà Việt Nam được thành phố Fairfield thực hiện không có vẻ gì là tích cực lắm. 

Ngày qua ngày quý phụ nữ cao niên mình ở đây vẫn tụm chợ trên hè phố giữa chốn văn minh trật tự. Họ xuôi ngược cùng mấy chiếc xe đi chợ đẩy tràn rau giá, bánh trái… Họ nhởn nhơ bơi lội trong “dòng sông kỷ niệm” để sống dùm cho tha phương ở đâu đâu nơi nào bên Việt Nam. Họ lang thang tụ chợ chui trên lề đường để được chìm mình tiếng rao hàng vừa mới “hội nhập” từ quê nhà qua. 

 


“Rau sạch nhà trồng hai đồng ba bó đây mua đi anh hai ơi”… 

Và có lẽ đó là hạnh phúc mà họ đang đi tìm. Họ mong được đáp lại ở cái bến chợ chui lề đường này, sống mãi trong tiếng rao hàng rong cho đến ngày tận đời nơi đất khách… 

Phải chăng đó cũng là một “a taste of Asia ” một hương vị quê nhà của người Việt trên đất Úc 

Phương "N" (MĐC 74)

0 nhận xét:

Post a Comment