Jan 22, 2012

Tết Việt đầu thế kỷ 20 - sưu khảo - PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng

Tết Việt đầu thế kỷ 20
Trong khi ăn Tết vui vẻ ngày nay, hẳn giới trẻ ít hình dung ra được ngày xưa ông bà ta ăn Tết như thế nào. Nhân dịp Xuân, chia sẻ một khảo cứu công phu của PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng phác thảo những nét đại thể về Tết xưa, kể cũng thú vị.
Hình 1
Hình 1
1. Cuộc sống nông nghiệp cổ truyền của dân tộc Việt Nam luôn phải đối phó với thiên tai, bão lụt... đó là chưa nói đến chiến tranh giặc giã... Do đó, muốn chuẩn bị ăn một cái Tết vui vẻ và chu đáo, người Việt Nam phải biết lo toan mọi thứ. Sự lo toan này ít được các nhà nghiên cứu Việt Nam học chú ý đến vì nó ẩn nấp trong cuộc sống hàng ngày. Nay dưới mắt nhà nghiên cứu H.Oger mọi việc phải được lôi ra trưng bày.
Hình 2
Hình 2
Trước khi vào nhà, ta còn đứng ngoài ngõ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Chuẩn bị đón Tết cũng vậy, chúng ta hãy thong thả, không sốt ruột, phải biết chờ đợi, biết thưởng thức những ngày sắp bước vào ngày hội lớn ấy một cách thật trang trọng.
Trước hết, chúng ta hãy theo Henri Oger đến thăm một gia đình gọi là làm ăn có dư dả. Không phải để xem họ trang hoàng hay sắm sửa được gì mà chính là xem cái chuồng gà, nuôi vịt hay nuôi lợn. (h.1)
Hình 3
Hình 3
Đối với người Việt Nam, nói là ăn Tết ba ngày nhưng hầu như là đã chuẩn bị gần cả năm. Con gà, con lợn... phải lo nuôi từ bây giờ để vào ngày cận Tết chúng lớn là vừa. Đối với những nhà có điều kiện gói bánh chưng thì cũng ngay từ đầu tháng chạp đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí đến những chiếc lá để gói bánh - như lá dong chẳng hạn – những chiếc lạt để buộc bánh chưng, bánh giò... cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm. Họ lo như thế nào? Như những nhà có vườn cây, quanh năm góp nhặt những tàu lá rụng, cắt lấy mà tước mỏng, quấn lại lên bếp để Tết mà gói giò!
Hình 4
Hình 4
Họ còn lo vun trồng tưới xén mảnh vườn cho kịp đơm hoa, kết trái. Muốn thế, họ nắm vững kỹ thuật từ ghép cây, bấm ngọn, tuốt lá đến thúc nụ, hãm hoa. Riêng đối với loài hoa thủy tiên - một loại hoa vàng nở vào mùa rét, họ lo gọt tách từ tháng chạp để hoa kịp nở vào đầu mùa xuân.
Henri Oger cho ta một bức ký họa, một người đang sửa vườn lan (h.2) để cho hoa nở theo ý muốn của mình!
Hình 5
Hình 5
2. Henri Oger cho ta xem một cái Chợ Lớn tuy chưa phải là chợ Tết (h.3). Trên cột chợ có ghi quê quán của nghệ nhân: “Gia Lộc huyện, Thạch Khôi tổng. Thanh Liễu xã, Nguyễn Văn Đảng”. Bên phải là hàng cá, hàng rau, dưới đây là các bà bán tương hay đội thúng đi bán. Bên trái là các hàng thịt, hàng nồi, hàng lược, hàng miến...
Hình 6
Hình 6
Vào những ngày cuối năm, phố xá mỗi ngày một nhộn nhịp thì chợ mỗi lúc một thêm đông. Dân gian bảo: “Đông như chợ Tết”! Thật chẳng ngoa! Song cái nhọn nhịp của những ngày vào Tết không chỉ thấy ở người lớn mà còn ở cả trẻ con. Đứa lớn, đứa bé kéo nhau đi chợ phiên ngày Tết cuối năm.
Nói gì thì nói, chợ cũng vẫn là nơi để mọi người đến mua sắm, Henri Oger cho ta xem bức ảnh một bác nhà quê đi mua đồ (h.4). Chúng ta đừng chú ý đến cái ô bác kẹp nách mà nhìn đôi tay bác đang cầm thứ gì... Và cạnh đây là vợ chồng nọ cũng chỉ mua các thứ vặt vãnh mà thôi (h.5).
Hình 7
Hình 7
3. Thật ra, sửa soạn cho Tết để đón chào năm mới, không phải chỉ lo các thứ lỉnh kỉnh như mọi ngày mà còn sắm sửa cho những mối ân tình, những quan hệ thâm sâu.
Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống. Nếu dư dả thì của ngon vật lạ, nếu nghèo túng thì cũng phải có thứ gì nhỏ làm quà. Nếu ông bà, cha mẹ sống cảnh giàu sang có khi con cháu đưa đến một cành đào, hai chậu cúc, hay vài củ thủy tiên có khi chỉ có một cối pháo cũng đủ làm cho đấng sinh thành hài lòng. Ngoài bổn phận con cháu, còn bổn phận học trò. Dù bây giờ có trở thành ông nghè, ông cống bia đá có đề tên thì ông học trò cũng phải nhớ về thăm thầy cũ.
Hình 8
Hình 8
H. Oger đã không bỏ sót những hình ảnh đẹp đẽ nói trên mà còn có thể tô đậm nét cho ngày về thăm thầy cũ ấy với một chút quà nhỏ mọn. Phải chăng, ký họa bên đây là chính anh học trò đang “mang gạo, vịt lễ” để đi Tết? (h.6) 
Là một viên chức trong bộ máy cai trị của Pháp, H.Oger thừa hiểu rằng bọn quan quyền luôn hoạnh hoẹ dân chúng đủ điều. Cho nên bức ký hoạ “đi biếu” (h.7) có thể làm cho nhà nghiên cứu trẻ tuổi này nghĩ ngay đây là cảnh thứ dân đi biếu Tết quan lại để có ngày cây cục việc này, việc nọ. 
Hình 9
Hình 9
4 Theo H. Oger và người họa sĩ đến tận hiện trường - nơi các đồ tể đang ra tay hạ sát một con trâu (h.8), chúng ta hãy để H. Oger mô tả:
“Cách thức để hạ một con trâu trông chẳng thanh lịch chút nào, công việc này đòi hỏi không dưới 4 người và con vật phải thuộc loại có sức trung bình... Người ta trói chặt chân con vật lại, cho nằm xuống đất. Một người trong bọn lấy hết sức kéo mạnh đuôi nó để nó khỏi giật nẩy lên. Một người khác cũng làm thế đối với cặp sừng của nó. Người thứ ba lấy hết sức của mình đè lên mông con vật. Người đồ tể sẽ đưa một cái thùng bằng gỗ sát lại để hứng huyết, rồi anh ta thọc ngay một con dao nhọn vào phía dưới cổ con vật. Người ta không biết phương thức đập chết bằng búa tạ”1. 
Hình 10
Hình 10
Bây giờ chúng ta tiếp tục theo dõi một công việc giết lợn, làm thịt ngoài chợ qua ngôn ngữ của H.Oger: “Người ta trói chặt bốn chân nó lại rồi đặt dưới bụng nó một cái gậy bằng tre dài luồn vào giữa. Trói gô toàn thân con vật như đánh đai thùng tô nô. Con vật không thể cựa quậy và cứ thế được cho lên thuyền hay lên xe kút kít để chuyển ra hàng thịt. Con vật bị ném lên cái chõng tre rồi bị buộc mõm thật chặt. Xong người đồ tể kê cái chậu để hứng huyết” (h.9)2
5. Tiếp tục đi theo Henri Oger và người hoạ sĩ trước mắt chúng ta là một bà đang quét sân (h.10). 
Hình 11
Hình 11
Thật ra đây là một việc làm bình thường nhưng dưới mắt Henri Oger lại có một mối liên hệ với nhau trong xã hội. Từ cọng rác không phải vứt đi cho đến cây chổi làm ra nếu có tác dụng của nó. Nhưng hôm nay, nếu đúng là những ngày chuẩn bị vào Tết thì việc làm này lại có ý nghĩa quét dọn, sửa sang nhà cửa cho sạch đẹp hơn ngày thường. 
Tùy nhà mà có cách làm sạch đẹp riêng như căn nhà gạch bên đây đang phải “quét vôi” (h. 11) lại cho mới.
Hình 12
Hình 12
Còn đây là người nhà đã được thầy phù thủy làm lễ hoa phù vào gậy rồi cho cầm đi khua khắp nơi trong nhà, trên nóc, dưới nền để tống khứ tà ma yêu quái còn đang tàng ẩn . 
Chúng ta lại thấy một người khác - đang dọn dẹp để “rửa đồ thờ” (h.12).  

PGS-TS  Nguyễn Mạnh Hùng
Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng

0 nhận xét:

Post a Comment