Tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất
Cập nhật: 11:48 GMT - thứ năm, 24 tháng 11, 2011
Mặt trăng Titan của sao Thổ được cho là có điều kiện sống tương tự như Trái Đất thời kỳ đầu.
Các khoa học gia đã xác định được các mặt trăng và các hành tinh có nhiều khả năng tồn tại sự sống.
Trong số những thế giới ngoài hành tinh có khả năng có sự sống nhất là mặt trăng Titan của sao Thổ và các hành tinh Gliese 581g - được cho là nằm cách chòm sao Libra chừng 20,5 năm ánh sáng.
Các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astrobiology.Nhóm nghiên cứu quốc tế đã đưa ra hai hệ thống đánh giá để thẩm định khả năng có tồn tại sự sống của người ngoài hành tinh.
Trong bài viết của nhóm nghiên cứu, các tác giả đề xuất hai chỉ số khác nhau: Chỉ số Tương tự Trái đất (ESI) và Chỉ số Hành tinh Có khả năng Tồn tại Sự sống (PHI).
"Câu hỏi đầu tiên là liệu các điều kiện giống như Trái Đất có thể được tìm thấy trên thế giới khác hay không, vì chúng ta biết rằng đó những điều kiện có thể nuôi dưỡng sự sống", đồng tác giả Tiến sĩ Dirk Schulze-Makuch từ Đại học Washington State, Hoa Kỳ, nói.
"Câu hỏi thứ hai là các điều kiện đó khi tồn tại trên các hành tinh khác thì có tạo khả năng có tồn tại sự sống hay không, điều mà chúng ta vẫn chưa biết."
Như tên gọi cho thấy, chỉ số ESI xác định mức độ tương tự với Trái đất của các hành tinh và mặt trăng, tính đến cả các yếu tố như kích thước, độ nặng và khoảng cách từ hành tinh hay mặt trăng đó tới ngôi sao mẹ của nó.
Chỉ số PHI thì nhìn vào một loạt các yếu tố khác, chẳng hạn như hành tinh hoặc mặt trăng đó có bề mặt xù xì hay băng giá, liệu nó có khí quyển hay từ trường hay không.
Nó cũng tính đến năng lượng có sẵn cho hành tinh hay mặt trăng đó, có thể là nguồn ánh sáng từ ngôi sao mẹ hoặc do thủy triều, là quá trình tạo lực tương tác hấp dẫn với đối tượng khác, qua đó làm một hành tinh hoặc mặt trăng tự nóng lên.
Và cuối cùng, chỉ số PHI tính đến các yếu tố hóa học - chẳng hạn như ở đó có tồn tại các hợp chất hữu cơ và các dung môi lỏng, qua đó tạo ra những phản ứng hóa học thiết yếu cho sự sống hay không.
Tương tự Trái đất
Giá trị tối đa cho chỉ số ESI - có các điều kiện tương tự Trái đất - là 1,00.
Điểm cao nhất đạt được đối với các hành tinh hay mặt trăng nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta là Gliese 581g (tuy một số nhà thiên văn học tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của hành tinh này), đạt 0,89 điểm, và một hành tinh khác của cùng ngôi sao mẹ, hành tinh Gliese 581d, đạt 0,74 điểm.
Hệ thống Gliese 581 đã được các nhà thiên văn học nghiên cứu kỹ lưỡng; nó bao gồm bốn hoặc năm hành tinh quay quanh một tiểu tinh cầu đỏ.
HD 69830 d, một hành tinh to cỡ Hải vương tinh quay quanh một ngôi sao khác nằm trong chòm sao Puppis, cũng đạt điểm cao (0,60). Nó được cho là nằm trong cái gọi là Goldilocks Zone - khu vực xung quanh ngôi sao mẹ, nơi nhiệt độ bề mặt không quá nóng cũng không quá lạnh cho sự sống.
Các thế giới được đánh giá cao trong hệ thống mặt trời của chúng ta là sao Hỏa, với 0,70 điểm, và sao Thủy, 0,60 điểm.
Có điều kiện tồn tại sự sống
Chỉ số PHI cho các kết quả khác.
Đứng đầu là mặt trăng Titan của sao Thổ, được 0,64 điểm, tiếp đến là sao Hỏa (0,59) và mặt trăng Europa của sao Mộc (0,47).
Các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời đạt điểm cao nhất, một lần nữa lại là Gliese 581g (0,49) và Gliese 581d (0.43).
Trong những năm gần đây, việc tìm kiếm các hành tinh có khả năng tồn tại sự sống nàm ngoài hệ mặt trời của chúng ta đã được đẩy mạnh. Kính viễn vọng Kepler của NASA, được phóng lên quỹ đạo hồi năm 2009, đến nay đã tìm thấy hơn 1.000 hành tinh ứng viên cho mục tiêu này.
Các kính viễn vọng trong tương lai thậm chí có thể có thể phát hiện cái gọi là các chỉ dấu sinh học trong ánh sáng phát ra bởi các hành tinh xa xôi, chẳng hạn như sự hiện diện của chất diệp lục, một sắc tố quan trọng cho thực vật.
0 nhận xét:
Post a Comment