Jan 25, 2012

Thế giới: Những dự báo trước thềm năm mới

Thế giới: Những dự báo trước thềm năm mới

Sau khi điểm lại những gì đã xảy ra vào năm 2011, các nhà quan sát cho rằng tình hình thế giới năm 2012 vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng.
Kinh tế, khoa học và môi trường

Ô nhiễm môi trường và thực phẩm độc hại vẫn tiếp tục là đề tài nóng trong năm 2012, mà tất cả các nước đều bị ảnh hưởng. Tiếc thay, hội nghị thượng đỉnh thay đổi khí hậu tại Nam Phi vào cuối năm 2011 vẫn chưa đạt được một giải pháp đồng thuận, khi sự phân hóa giữa các nước giàu và nước nghèo về việc kéo giảm khí thải tầng Ozone còn rất lớn. Các bên chỉ đạt được thỏa thuận sẽ “luật hóa” các định mức cắt giảm khí thải CO2 vào năm… 2020. Tình hình càng căng thẳng hơn khi Nghị định thư Kyoto sắp hết hiệu lực. Trong lĩnh vực khoa học, việc phát hiện (chưa kiểm chứng) một loại hạt còn đi nhanh hơn ánh sáng đã trở thành thách thức cho sự tồn tại của vật lý hiện đại. Bên cạnh đó, chiếc cuối cùng của đội tàu con thoi Mỹ đã về vườn khiến Mỹ bị lệ thuộc hoàn toàn vào Nga trong việc đưa người và hàng tiếp tế lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), trong khi Nga gặp một loạt sự cố nghiêm trọng về tên lửa phóng tàu vũ trụ và chương trình thám hiểm sao Hỏa (một con tàu vừa phóng của Nga không thể tách khỏi quĩ đạo trái đất để vào quĩ đạo sao Hỏa). Một nước Nga biến động sau bầu cử quốc hội có nghĩa là chương trình đưa người và tiếp liệu lên ISS không tránh khỏi sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2012. Năm 2012, Trung Quốc (TQ) sẽ tiếp tục tham gia mạnh hơn vào cuộc chạy đua vào vũ trụ với dự án trạm không gian riêng và thám hiểm mặt trăng. Sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin (IT) và điện tử tiêu dùng với các tiêu chí “nhỏ hơn, mạnh hơn, đa năng hơn và dễ sử dụng hơn” tiếp tục diễn ra trong năm 2012 với cuộc bứt phá ngoạn mục của Smartphone và máy tính bảng (tablet). Thương mại điện tử (e-commerce) ngày càng phát triển với Mỹ gần bị TQ qua mặt về giá trị. Một tin buồn cho giới IT là cái chết của Steve Jobs của hãng Apple. Ông ra đi để lại sự thương tiếc và hụt hẫng cho nhiều người và cả dấu hỏi về tương lai của Apple trước các đối thủ mạnh như Samsung, Nokia và Blackberry. Ảnh hưởng này đã bắt đầu xuất hiện và sẽ thấy rõ hơn trong năm 2012. Trên lĩnh vực tài nguyên, cuộc chạy đua khai thác tài nguyên trên thế giới sẽ được đẩy mạnh hơn với TQ ở vị trí tiên phong, bất chấp cảnh báo của các tổ chức bảo vệ môi trường. Năm 2012, các nước châu Á-Thái Bình Dương vẫn dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế, khi làn sóng lạm phát từ đầu năm đã được khống chế trong quí 4.2011.
Khu vực đồng euro vẫn còn diễn biến phức tạp
Khu vực đồng euro vẫn còn diễn biến phức tạp
EU tiếp tục khủng hoảng
Năm 2011, châu Âu không chỉ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng mà còn bị đánh sụt hạng tín nhiệm tín dụng. Số phận của khối eurozone và cả đồng euro trong năm 2012 vẫn rất bấp bênh. Tại một số nước đã có gợi ý trở lại với đồng nội tệ cũ. Những nước chưa bị ảnh hưởng đổ lỗi cho những nước đang vỡ nợ như Hy Lạp là chi tiêu bạt mạng gây ảnh hưởng cho cả khối. Vấn đề then chốt ở đây là các thành viên của khối eurozone cùng dùng chung đồng tiền, có chung chính sách tiền tệ nhưng lại không có tiếng nói chung trong các quyết sách kinh tế và tài chính khi gặp khó khăn. Tình hình tiếp tục phức tạp khi các chuyên viên kinh tế tài chính và giới cầm quyền chưa đạt được sự đồng thuận. Họ vẫn bất đồng về giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Thực tế này đã khiến nhiều người tin rằng “giải thể eurozone là cách nhanh nhất để trả khủng hoảng về cho từng nước tự giải quyết”. Họ cũng xem đây là biện pháp “ít đau đớn nhất” đối với tầng lớp nghèo khó sống nhờ vào tiền trợ cấp và hưu trí đang chứng kiến số tiền trả cho họ vơi dần. Nhưng số khác lại lạc quan cho rằng eurozone sẽ đứng vững và khủng hoảng chính là cơ hội để đi thêm bước nữa trong việc hội nhập và nhất thể hóa châu Âu. Ngoài ra, suy nghĩ của người dân trong khối cũng khác nhau. Người dân tại những nước đang khủng hoảng và những nước chưa gặp khủng hoảng đổ lỗi cho nhau. Nói chung, từ khi EU được thành lập, châu Âu chưa từng trải qua sự chia rẽ như hiện nay và định hướng đi tương lai cũng chưa bao giờ mù mờ như thế. Khi các bộ trưởng tài chính của cái gọi là “Euro Group” ngồi lại với nhau, nhiều quyết định sẽ được làm, nhưng cho đến nay, chúng không tạo ra nhiều thay đổi và kết quả rất mong manh. Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khối euro phải khó khăn lắm mới hóa giải được các bất đồng để cùng các ngân hàng lớn tham gia giải cứu châu Âu, tránh không cho khu vực này rơi vào “phá sản nhà nước” và khối eurozone tan rã. Nhưng dự tính sửa đổi các thỏa thuận thành lập EU và khối eurozone của Pháp-Đức gặp sự chống đối của một số nước như Anh. Trên thực tế, hiệp định tài chính mới vừa được EU thông qua không có chữ ký của Anh, nước không tham gia eurozone. Có khả năng là một cơ chế quyền lực mới sẽ được thành lập để giám sát các hoạt động vay mượn và chi tiêu của các nước trong khối hầu phát hiện sớm những “quá đà”, dẫn đến khủng hoảng. Người dân Tây Âu vốn sống nhờ các khoản trợ cấp hậu hĩnh không có vẻ gì sẽ đồng tình với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Khó có đảng phái nào có thể lái con tàu an toàn trong cơn phong ba hiện nay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải giải bài toán mua nợ của các nước thuộc khối đồng tiền chung eurozone đang khốn đốn vì nợ công và phải tính toán lại khả năng của các định chế cho vay. Năm 2012, các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ chuyển sang chiến lược: tìm cách siết chặt chính sách tiền tệ, chứ không còn buông lỏng để không kích thích thêm lạm phát, đặc biệt là trong tình hình giá lương thực tăng nhanh trên thế giới. Những quyết định về chính sách tiền tệ, chủ đề các cuộc họp kinh tế của ngân hàng trung ương các nước sẽ ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch hàng trăm tỉ USD trên thị trường tài chính thế giới.
Thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh trong năm 2012
Thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh trong năm 2012
Khối BRICS, đối trọng của G7
Sự nổi lên của khối BRICs (gồm 5 nước đang trỗi dậy TQ, Nga, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ) trên chính trường thế giới được xem là hiện tượng và hiện tượng này sẽ được duy trì trong năm 2012. BRICs là đối trọng của nhóm nước phát triển G7 đang rơi vào khủng hoảng. Bên cạnh đó là nhóm G20 qui tụ 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nơi tập trung quyền lực kinh tế toàn cầu. Mục tiêu bề nổi của các hội nghị thượng đỉnh G20 là thảo luận (và nếu cần, giải quyết) các vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu, ít nhất là đề xuất được các giải pháp khả thi. Tuy nhiên, thiếu đồng thuận là lực cản hiệu quả hoạt động của G20. G20 Summit năm 2008 diễn ra vào lúc cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các nhà lãnh đạo đã gác được sang bên các bất đồng và đạt được một số thỏa thuận cấp cứu thực chất giúp kéo thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng. Hai hội nghị IMF-WB năm 2011 cũng nêu lên những vấn đề giống như tại G20 Summit. Tuy nhiên, những quyết định đạt được tại G20 Summit bao giờ cũng có “trọng lượng” hơn. Tại hội nghị năm nay, việc các nước châu Âu chiếm thế thượng phong tại IMF và thế yếu của các nước châu Á trong định chế quốc tế này cũng được mang ra thảo luận, đặc biệt là qui định giám đốc điều hành phải là người châu Âu. Đây là vấn đề cốt lõi vì các nước châu Á than phiền là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 không được IMF quan tâm so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát từ Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu. Nhưng công tâm mà nói, năm 2011, IMF đã tạo được uy tín lớn hơn, khi nó đóng vai trò then chốt trong việc cứu các nước thành viên khu vực eurozone đang gặp khó khăn. Bất cứ quyết định nào chuyển từ dự trữ đồng USD sang đồng tiền khác hay chế độ tiền tệ khác cũng sẽ phải có tiếng nói của IMF. Đến nay, ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong tình hình đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức hằng năm tại Davos, Thuỵ Sĩ sẽ trở thành diễn đàn cho các tiếng nói độc lập. Diễn đàn qui tụ nhiều tên tuổi trong giới kinh doanh, hàn lâm, chính trị và báo giới như Bill Gates và Bill Clinton. Nhiều khuôn mặt quen thuộc tại các hội nghị kinh tế tài chính khác cũng có mặt ở đây. Davos còn tranh luận về nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe và môi trường. Các nhà môi giới quyền lực cũng đã đến Davos để xem những ý tưởng của họ có ảnh hưởng như thế nào đến các việc làm mang tính quyết định. 
Hảo Dũng

(Theo The Economist, Business Week và Finantial Times)
,

0 nhận xét:

Post a Comment