Jan 23, 2012

Làng cá kho tết “xuất ngoại” Vũ Đại - nhâm thìn

Thứ Hai, 23/01/2012 - 08:26
Làng cá kho “xuất ngoại” Vũ Đại
(Dân trí) - Làng cá kho Vũ Đại, hay còn gọi là làng Đại Hoàng nơi vùng quê chiêm trũng của xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) vốn nổi tiếng với nghề kho cá trắm. Cá kho nơi đây còn được “xuất ngoại” đi nhiều nơi.
Nói đến món cá kho, ắt hẳn tất cả các vùng miền trên giải đất hình chữ S đều biết. Nhưng với cá kho của làng Vũ Đại, hay còn gọi là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân rất đặc biệt. Cá kho ở đây là một nghề lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để có một nồi cá kho giá trị phải qua rất nhiều công đoạn tuyển chọn và đun nấu nghiêm ngặt.
Niêu dùng để kho cá.
Cá kho ở Đại Hoàng chủ yếu là loại cá trắm. Cá được ướp bằng riềng, kho trong niêu đất và ăn vào dịp Tết Nguyên đán. Thường thì vào khoảng thời gian đầu tháng chạp hàng năm, các gia đình ở làng Đại Hoàng lại được dịp tất bật chuẩn bị củi đun, niêu đất để vào mùa kho cá Tết.
Ở làng Đại Hoàng, vào dịp tết ông Công, ông Táo, người dân trong làng đều kho cá để cúng tổ tiên. Theo tập tục thì nhà nào trong làng Đại Hoàng cũng kho cá vào dịp Tết, nó đã trở thành nét văn hóa ẩm thực truyền thống của bà con nơi vùng quê chiêm trũng này. Người ta còn quan niệm, nếu gia đình nào không có niêu cá kho riềng vào ngày Tết thì Tết đó mất to.
Cá được ướp da vị rất kỹ trước khi kho.

Trong quá trình kho, phải đảm bảo cho ngọn lửa cháy vừa đủ, không để lửa cháy to.

Người dân làng Đại Hoàng kho cá bán quanh năm, nếu có đơn đặt hàng. Nhưng cơ hội để làm ăn trong năm là vào dịp Tết Nguyên đán. Có những gia đình kho cả tấn cá để bán ra các địa phương lân cận, thậm chí cả khách du lịch nước ngoài.
Một số công đoạn của việc kho cá bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch. Đầu tiên, người dân đi đặt cá ngon ở những cơ sở uy tín để đến đầu tháng chạp bắt cá về thả vào bể dự trữ trong nhà. Ngoài ra, chuẩn bị các nguyên liệu, gia vị để kho cá.
 
Mỗi nồi cá kho cần mất từ 12 - 14h đồng hồ.

Niêu được chọn kỹ từ Thanh Hóa về rồi đem luộc qua nước sôi để đảm bảo độ rắn chắc và loại bỏ các tạp chất, tăng độ chịu nhiệt khi kho cá. Củi đun phải cứng, rắn, khi đun có nhiều than, tuyệt đối không được đun bằng củi xoan vì sẽ mất hết hương vị.
Cá dùng để kho là cá trắm đen. Khi mổ cá tuyệt đối không được làm vỡ mật, mổ xong không rửa, bỏ phần đầu, phần đuôi, chỉ lấy phần thân cắt khúc, rồi cho thêm các gia vị vào và còn có thịt ba chỉ và đặc biệt kiêng nước lã để kho cá mà dùng nước mắm và nước cốt chanh cùng với nước đường thắng đen lại. Khi kho cá phải rải dưới niêu bằng một lớp riềng, gừng để chống cháy, tiếp đó cứ một lớp cá lại một lớp riềng, gừng. Mỗi nồi cá kho phải đun từ 12 - 14 giờ đồng hồ mới đảm bảo chất lượng.
 
Món cá kho trở thành đặc sản của vùng quê chiêm trũng.

Giữa tiết trời se lạnh những ngày đầu xuân, được thưởng thức món cá kho với những hương vị đặc trưng cùng với cơm nóng thì quả thật khiến người ta khó quên. Rời vùng quê chiêm trũng, mùi cá kho vẫn còn phảng phất trên con đường làng.
Duy Tuyên

0 nhận xét:

Post a Comment