Jan 30, 2012

Nô nức trảy hội đầu năm (30/01/2012)


Nô nức trảy hội đầu năm (30/01/2012)
Thời tiết những ngày đầu Xuân 2012 ở miền Bắc đang rét đậm, nhưng cũng chẳng đủ sức ngăn cản dòng người nô nức trảy hội. Những điểm di tích được mọi người "truyền tai” nhau là "rất thiêng” luôn trong tình trạng quá tải... 


Lễ hội đền Bà Chúa Kho
Chen nhau đi lễ chùa

Lễ chùa đầu năm từ lâu đã là nét đẹp của người Việt Nam. Các di tích lịch sử - văn hóa như: chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn,,, luôn là điểm đến của nhiều du khách dịp đầu Xuân. Con đường dẫn vào phủ Tây Hồ mặc dù đã được phân luồng cẩn thận nhưng vẫn bị ùn tắc bởi lượng du khách trong và ngoài Hà Nội đổ về cầu xin chúa Liễu Hạnh ban phước luôn tấp nập. Theo đại diện Ban quản lý phủ Tây Hồ: Từ ngày 1 đến ngày mùng 3 Tết thì đa số khách đến lễ phủ là người Hà Nội, từ mùng 5 Tết trở đi khách thập phương lại đổ về khiến đường đông hơn... phải đến hết Rằm tháng Giêng, lượng khách tham quan mới giảm bớt...

Ngược Quốc lộ 1 cũ, đoàn chúng tôi háo hức trảy hội đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh). Cách đền Bà Chúa Kho hơn 2km, người ta đã có thể cảm nhận được sự quá tải khi dòng xe cộ nối dài chờ nhích từng bước. Theo ông Nguyễn Ngọc Sự - Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, sau Tết Nguyên đán, đặc biệt từ ngày mùng 4 tháng Giêng, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt khách đổ dồn về đền... Trong những ngày này, đội ngũ công an phường, giao thông của thành phố, tỉnh được tăng cường phối hợp với Ban quản lý di tích để bảo đảm an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách làm lễ, cầu tài, cầu lộc... Cảnh sát giao thông dù rất tích cực phân làn nhưng cũng không thể giúp dòng xe cộ thông suốt được ngay, bởi lượng người vào lễ đền Trình (Bà Chúa Kho) quá đông. Đỉnh điểm vào thời gian từ 9 - 10 giờ sáng, dòng người cuồn cuộn kéo đến ngày một đông khiến lối lên đền Bà Chúa Kho không còn một khoảng trống. Du khách nào chẳng may đi ngược làn đường sẽ bị xô đẩy. Lượng người đến lễ quá đông, nên nhiều người không thể vào tận trong đền làm lễ, đành đứng bái vọng từ sân vào. Để tránh tình trạng bị kẻ gian móc túi, nhiều gia đình đã chọn giải pháp, cử một người ở lại ngoài sân trông coi đồ đạc.


Dịch vụ trông xe ở phủ Tây Hồ

Còn đó những điều chưa vui

Mặc dù công tác tổ chức lễ hội 2012 đã được Bộ VHTTDL chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn còn những "hạt sạn” ảnh hưởng đến không gian linh thiêng nơi đền, chùa. Lượng du khách đi lễ Phật, Thánh đầu năm đông, đã tạo điều kiện cho nhiều dịch vụ "chặt chém nở rộ”. "Hái ra tiền” nhanh nhất phải kể đến các điểm trông giữ xe. Khu vực Hồ Tây của Hà Nội, lâu nay vốn nổi tiếng với chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ... Những ngày đầu Xuân này, giá dịch vụ trông xe đều đồng loạt được "thổi lên” 20.000 đồng/xe máy. Các chủ điểm trông giữ xe tăng giá, nhưng du khách vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ở đền Bà Chúa Kho, dịch vụ trông giữ xe được coi là ít "chặt chém” nhất, nhưng vẫn vi phạm quy định trông giữ xe của Nhà nước. Sau khi cố gắng vượt qua nhiều điểm trông giữ xe mọc lên dọc đường vào đền Bà Chúa Kho, chúng tôi đã tới được điểm trông giữ xe của BQL đền Bà Chúa Kho. Mặc dù trên vé gửi xe chỉ ghi 2.000 đồng, nhưng khách vẫn phải trả 5.000 đồng. Nếu ai thắc mắc sẽ nhận được câu trả lời: Số tiền trên đã bao gồm cả phí trông mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu có kẻ gian nào có ý định lấy mũ bảo hiểm thì những người trông xe cũng không thể kiểm soát nổi...

Bên cạnh đó còn nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội cũng "hốt bạc” như: Dịch vụ ăn uống, sắp lễ vàng mã, dịch vụ đổi tiền lẻ 10 ăn 7, thậm chí là 10 ăn 6 vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Đặc biệt, tại đền Bà Chúa Kho, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh "dở khóc dở cười” của vợ chồng anh Đinh Văn Định (Nghệ An). Hai vợ chồng anh Định từ Nghệ An ra Hà Nội ăn Tết ở nhà người thân. Nghe nói về tục lệ vay tiền, xin lộc rơi, lộc vãi ở đền Bà Chúa Kho, vợ chồng anh Định vốn là dân làm ăn, buôn bán, nên nhanh chóng mượn xe của người nhà để đi Bắc Ninh. Vì mải chen vào tận cung thờ Bà để lễ, vợ chồng anh Định đã bị kẻ gian móc túi. Tiền mất, giấy tờ tùy thân, vé xe cũng mất theo, nên dù rất thông cảm, Ban Quản lý đền Bà Chúa Kho cũng không thể giải quyết để anh chị lấy xe ra nếu không có người bảo lãnh. Cuối cùng anh Định đành phải gọi điện cầu cứu người thân vượt hơn 40km từ Hà Nội sang để bảo lãnh giúp...


Lễ phủ Tây Hồ
Mùa lễ hội năm 2012, Bộ VHTTDL đã tăng cường công tác tổ chức, quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội, tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật với hy vọng, người đi trẩy hội sẽ không còn "nhai” phải những "hạt sạn” văn hóa. Tuy nhiên, mong ước này vẫn chỉ là mong ước... bởi vẫn còn đó những "hạt sạn” chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

HUY VĂN - HẢI NAM







0 nhận xét:

Post a Comment