Feb 29, 2012

Thơ & Họa Thơ của thầy trò macdinhchi sài gòn - năm xưa

NHỚ 

  

Mấy chục năm qua đã có thừa, 
Tưởng lòng chôn kín chuyện ngày xưa. 
Có còn yêu thật ?... nên thầm nhớ 
Bất kể đêm ngày nắng hoặc mưa. 

Ngày nắng bừng lên rực rỡ vàng 
Theo từng bước nhỏ gót son sang, 
Sân trường, áo trắng bay tha - thướt 
Ngơ ngẩn, tim ai đập rộn ràng. 

Trời mưa sướt mướt, gió bay bay 
Ướt tóc em tôi, tóc xỏa dài, 
Vào lớp phơi hong làn tóc rối 
Dậy thì hương phất quyện hồn ai ? 

* * * 

Trí tự hứa rằng chẳng nhớ thêm, 
Dù tim đã khắc bóng hình em. 
Thôi ! lòng nhất trí : không thèm nhớ 
Chỉ được buổi chiều!..Lại nhớ đêm! 

Thôi thì cứ nhớ, chớ yêu nào 
Mấy chục năm qua, cũng chả sao 
Có lẻ đã yêu từ kiếp trước 
Kiếp nầy NHỚ MÃI đến ngàn sau. 


Thầy Nguyễn Phước Hậu 
cận Tết Giáp Thân 2004

THƯƠNG 

 

Họa nguyên-vận bài Nhớ của Ông Nguyễn Phước-Hậu 

Thương mãi, sao thương vẫn chẳng thừa, 
Thương người bé-bỏng thuở xa-xưa . 
Thương...thương là bệnh ai-ai đó, 
Ông Trời đâu hết bệnh nắng-mưa ?! 

Nắng-mưa còn mãi đến tuổi vàng, 
Nhất là khi chớm đón xuân sang. 
Hỏi lòng còn chút Thương nào hết ? 
Tưởng-tượng hình ai vẫn rỡ-ràng. 

Rỡ-ràng như gió cuốn mây bay... 
Nỗi thương ngày ấy bỗng vươn dài. 
Về thăm quá-khứ, khung trời nhỏ, 
Ai có chờ ai, có đợi ai ! 

* * * 

Niềm thương từng phút thấy thương thêm, 
Vẫn thấy chàng chung bước với em . 
Áo xưa vẫn ngát tình tri-kỷ, 
Nhập vào mộng thắm tới từng đêm . 

Ai biết mình thương tự thuở nào ! 
Thương thêm chút nữa cũng không sao ! 
Xin vẫn giữ lòng tươi đẹp mãi, 
Thương hoài, dù kiếp trước hay sau ! 


Thầy Nguyễn Tường Vân 
Mồng một Tết Giáp-Thân 2004




Thầy ơi, Bạn ơi, Mạc Ðĩnh Chi ơi!!! 

 

Cảm hứng khi đọc bài thơ NHỚ của thầy Nguyễn Phước Hậu và bài THƯƠNG của thầy Nguyễn Tường Vân: 


Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, 
Nẩy nở bằng nụ hôn, 
Và chấm dứt bằng giọt nước mắt... 

Love begins with a smile, 
Grows with a kiss, 
And ends with a tear... 

L'amour commence avec un sourire, 
Grandit avec un baiser, 
Et finit avec une larme... 


Ngọc-Hồng 
Ngày đầu năm Giáp Thân


SẦU 

 

MdS kính họa nguyên vận 2 bài thơ "NHỚ" của thầy Nguyễn Phước-Hậu 
và "THƯƠNG" của thầy Nguyễn Tường-Vân. 


Thuở ấy, mình như kẻ bị thừa 
Theo nàng, nàng ghét, bảo mình "xưa" 
Bảo thời ống rộng, mình chơi túm 
Bảo cái chàng nầy: Chuột mắc mưa ! 

Thế đấy, vẫn mơ chuyện đá-vàng 
Đêm nằm, chợt thấy sáo bay sang 
Sáo còn biết nói lời âu-yếm 
"Em cũng nhớ ai !", rất rõ-ràng 

Chưa hết lời thương, sáo đã bay 
Để đây khắc-khoải với đêm dài 
Trên tay, đang gỡ nùi tơ rối 
Sáo sẽ của mình, hay của ai ? 

****** 

Mỗi tiết xuân về, Nhớ chất thêm 
Trách mình chẳng biết dụ lòng Em 
Ngày xưa, nhớ quá, làm thơ "Lụy !" 
Đâu phải giờ này khóc giữa đêm 

Gánh NHỚ, gánh THƯƠNG, nặng cỡ nào ? 
Gánh thêm SẦU nữa, cũng đâu sao ! 
Miễn là tưởng-tượng trong: Con sáo 
Sẽ gánh được Sầu đến kiếp sau 

(Lại học cùng trường, lại gặp nhau ! 
Lại theo Em nữa, có chi sầu...). 


MdS - Nguyễn thị Kim-Trâm post (MĐC-K78) 
Mồng hai Tết Giáp-Thân 2004


GHÉT 

 

Họa vận thơ của thầy Nguyễn Phước Hậu - Thầy Nguyễn Tường Vân 
và ý thơ xuất phát từ Phan Việt Thanh 


Không dám thì thôi cứ đổ thừa, 
Lòng vòng ba cái chuyện đời xưa. 
Thương trong bụng đó đây nào biết. 
Ở đó mà than gió trách mưa. 

Nắng đậu cành mai nắng mới vàng, 
Bám cành so-đủa dám làm sang. 
Cầu Kiều mong bắc cho hay chữ, 
Chẳng dám vì ai chẳng rỏ ràng. 

Cánh bướm vườn xuân vẫn cứ bay, 
Nhởn nhơ bên ngỏ liểu buông dài. 
Hoa dâm bụt ngã đầu đay nghiến, 
Ghét quá chừng con buớm của ai. 

+++ 

Tưởng đã quên giờ lại ghét thêm 
Giữa chiều hoa rụng, giữa lòng em. 
Ghét ơi cái kén tơ vàng ối, 
Óng ánh đèn khêu chuyện nửa đêm. 

Ghét cũng đành thôi, đợi kiếp nào, 
Có chi thì cũng chẳng làm sao. (Trần Dần) 
Hoa đào năm cũ y như vậy. 
Tan hợp buồn vui, chỉ trước sau. 


Tâm Tưởng

THÔI 

 

Cảm hứng khi đọc bài thơ NHỚ của thầy Nguyễn Phước Hậu, 
bài thơ THƯƠNG và GIẬN của thầy Nguyễn Tường Vân, TIẾC của Võ Quang, 
SẦU của Nguyễn thị Kim-Trâm và GHÉT của Tâm Tưởng. 
Xin phép gửi thêm bài thơ. 


Thôi! SẦU chi nữa chuyện xa xưa 
Chẳng qua vì ngỡ "kẻ bị thừa" 
Sáo kia có nói lời âu-yếm 
Nhưng Sáo bay rồi... mấy mùa mưa 

Thôi! GHÉT làm chi chuyện đã qua 
Cánh bướm vườn xuân đã bay xa 
Hoa đào năm cũ còn thơm ngát 
Chỉ có tình ai đã nhạt-nhòa 

Thôi! chớ GIẬN hờn ánh trăng sao 
Đôi ta xa cách tự thuở nào 
Người đi, kẻ ở bao nhung-nhớ 
Kiếp nầy không đặng, hẹn kiếp sau 

Thôi! đừng TIẾC nữa bóng hình ai 
Chẳng qua định-mệnh đã an-bài 
Ai kia chắc đã quên hẹn ước 
Hãy gói tình xưa xuống tuyền-đài 

Xin cố sống vui cho mỗi ngày 
Đừng sầu, đừng ghét, chớ giận ai 
Hãy THƯƠNG, hãy NHỚ ngày thân-ái 
Cuộc đời ngắn-ngủi, ai có hay? 


Võ Quang 
Mồng Ba Tết Giáp Thân

Ai ? 

 


Xin hỏi Thầy nhớ thương ai ? 
Ðể tụi em biết ... mà 
Thương lại Thầy. 


DZiệt Thanh (Tania Phan) 
MDC K73

Nhớ Ai - Thương Ai ! 

 

Để trả lời Tania Phan 


Ôi ! khó làm sao để trả lời, 
Khi ai gặng hỏi : nhớ, thương ai ? 
Nhớ : trong bài xướng nơi ông Hậu, 
Thương : là ý họa góp phần thôi ! 

Nhớ-thưong là chuyện của cõi lòng... 
Thơ cổ ghi tình bên dòng sông : 
Quân tại giang- đầu, thiếp giang-vĩ, 
Nước sông cùng uống, chẳng cùng trông. 

Khi đã gặp nhau, đã yêu nhau, 
Lỡ khi xa cách có khi sầu. 
Sầu tình quằn-quại gây niềm nhớ 
Nhớ mãi tăng thành nỗi khổ-đau . 

Khổ đau vì đã trót thương người, 
Thương nhiều, đâu chỉ một mình ai ! 
Thương người tị-nạn khi xa xứ, 
Thương kẻ quê-hương kiếp lạc-loài. 

Kià ở miền nam Texas xa, 
Có người thương trẻ ở quê nhà, 
Vì bị trời hành mang thân-tật, 
Kêu gọi ai cùng giúp đỡ ta... 

Thương là thương quá, hỡi Phương-Dung ! 
Kêu gọi người thân mở cõi lòng . 
Góp chút gì cho người khốn-quẫn, 
Ta cùng may vá lại non sông. 

Thương thật là thương nỗi Muộn-phiền, 
Võ Quang đã gởi tới cô em ... 
Người em một thuở vào chung lớp, 
Đã bị trời ghen khi vượt biên... 

Thương nhiều khi thấy Liêu-Hoàn-Vũ 
Gởi lại non sông Những mảnh tình. 
Thương người em nhỏ thời chinh-chiến, 
Thương những anh-hùng đã hy-sinh. 

Thương sao cánh áo của Nhược-Thu
Áo trắng bay qua tuổi học-trò, 
Thơ vươn vời-vợi hồn nghệ-sĩ, 
Nhạc phổ ngay thành bản ngợi-ca... 

Thương nữa là thương gã Lưu-Mười
Từng đêm trau-chuốt bản tin vui... 
Nối-kết bạn-bè nơi bốn biển, 
Thương mình chút xíu... để thương người. 

Thương nữa... thương Tài với thương Hoa
Vì Thầy, vì Bạn, lập Trang-Nhà, 
Hình xưa ảnh cũ lên phơi-phới, 
Để cuối đời ta lại gặp ta ... 

Thương thêm Thầy Hậu đã vì đời, 
Giữa buổi xuân về, Nhớ chẳng nguôi. 
Nhớ người yểu-điệu nơi trường cũ, 
Nhớ thuở xa-xưa đã mất rồi ! 

Thương mãi,...thương không có bến bờ, 
Thương ngàn vẻ đẹp kết nên thơ. 
Thương về một bức dư-đồ rách, 
Ai còn mài kiếm dưới trăng tà !?... 


Nguyễn Tường-Vân 
Mồng 2 Tết Giáp-Thân, 2004

MỜI 

 

Thi-đàn rộng-rãi, chỗ dư-thừa, 
Đời nay chẳng khác mấy đời xưa . 
Xin mời tham-dự cho đông-đảo, 
Xá gì trời nắng hay trời mưa ! 

Xin nhớ mang theo quyển sổ vàng, 
Tâm-tình nhờ bút sẽ truyền sang... 
Gọt-giũa vần thơ cho láng đẹp, 
Tên tuổi mai sau sẽ rỡ-ràng. 

Lý-Bạch ngàn xưa bổng cánh bay, 
Nguyễn Du theo vết cũng vươn dài, 
Xuân-Hương nghịch-ngợm nên danh-tiếng, 
Xin hãy vì đời, theo gót ai ! 



Xin mời góp mặt góp tên thêm, 
Đừng ngại là anh hay là em ! 
Dù thương, dù ghét, dù không nhớ, 
Giận-hờn xin thoảng ánh sương đêm. 

Có nhớ, có thương một người nào, 
Có hờn, có giận ?! Ghét làm sao ! 
Ghét ai thật dễ, yêu không dễ... 
Trước còn chưa có, hỏi chi sau ?! 


Nguyễn Tường Vân 
Mồng ba Tết Giáp-Thân 2004

ĐUỔI 

 

Chỗ thiếu không vô, chọn chỗ thừa, 
Tưởng rằng người mới, hoá người xưa ! 
Dù muôn năm cũ âm-thầm nhớ, 
Thương người ướt-át dưới trời mưa. 

Xuân-Diệu xưa kia quá vội-vàng, 
Nguyễn Bính, mùng-tơi leo dậu sang, 
Vũ Hoàng Chương thiết-tha gọi Tố, 
Tố của Hoàng nay bị buộc-ràng. 

Hạc vàng ai đã thả mây bay, 
Tình-khúc Kiều-nhi vẫn toả dài. 
Tiên-điền vẫn hỏi trăm năm nữa 
Thiên-hạ ai còn thương khóc ai ! 

Còn gì đâu nữa nhớ-thương thêm ? 
Còn chứ ! Còn anh và còn em ! 
Còn người gối mộng trên trang sách, 
Xướng-họa tâm-tình, đêm lại đêm ... 

Không ai biết được trái tim nào 
Mở với ai ? và mở làm sao ? 
Chỉ hai kẻ đó, riêng và kín ... 
Đuổi kẻ bàng-quan ra phía sau !!! 


Nguyễn Tường Vân 
Mồng ba Tết Giáp-Thân 2004


THỪA 

 

Tôi thấy là tôi : khúc ruột thừa, 
Trong lòng người ấy quãng đời xưa ! 
Ngày xưa tôi chẳng đi trong nắng, 
Cũng chẳng bao giờ đứng dưới mưa ! 

Tôi chỉ tung-tăng những chiều vàng, 
Theo đàn bướm trắng bước chân sang... 
Gót son nhè-nhẹ trong căn lớp, 
Có bốn mùa xuân đẹp rỡ-ràng . 

Tôi sống như là tôi đang bay, 
Ngày xanh không ngắn, cũng không dài, 
Tuổi xuân đã dính vào cung Mệnh, 
Tôi bị buộc vào tơ-tóc ai ...! 

Tôi biết thời-gian sẽ ngắn thêm, 
Khi tôi bừng tỉnh kiếp làm em ! 
Người mong tôi trở thành thi-sĩ, 
Để chép thơ sầu, đêm mỗi đêm . 


Ôi khúc ruột dư ! chẳng khác nào ... 
Cắt đi hay để ... cũng đâu sao ! 
Tôi vẫn là tôi trong người đó ... 
Không thừa ! Dù chịu mãi phía sau ! 


Nguyễn Tường Vân 


Trường Tôi 

 

Trường tôi tên Mạc Ðĩnh Chi 
Có Thầy Hiệu Trưởng tên là Lý Di 
Thầy Di không hiểu làm chi ... 
Mà sao có khối nữ sinh yêu Thầy 
Cuồng si... 

Trường tôi tên Mạc Ðĩnh Chi 
Có Thầy Phước Hậu với vần trán cao 
Thầy Hậu duyên dáng làm sao .. 
Cho nên cũng khối nữ sinh yêu Thầy .. 
Âm thầm.... 

Trường tôi tên Mạc Ðĩnh Chi 
Có Thầy Quang Huyến dáng người không cao 
Thầy Huyến trông ...hách làm sao.. 
Vậy mà cũng có em Nhi mê Thầy .. 
Ðấm đuối ... 


DZiệt Thanh (Tania Phan) 
MDC K73



Quên... 

 

Nhân đọc liên khúc thơ xuân MDC: Nhớ - Thương - Mời - Ðuổi - Thừa - Tiếc - Sầu - Giận - Thôi - Ai - Nhớ Ai, Thương Ai v.v... của quý thày và các chư huynh đệ tỷ muội. Ngẫu hứng họa thêm một khúc để góp vào liên khúc này dùm cho một MDC nữ ở trong nước. 

Thôi đã xa rồi "ớớiiiii" thầy ơi 
Nhắc đến làm gì cho tả tơi 
Thầy đi, em ở làm sao gặp 
Cách biệt không gian nói chi lời 

Lúc trước lòng em nở rộn ràng 
Cõi mộng đầy hoa ánh mắt.. chàng (tức là thầy đó) 
Vào lớp ngơ ngẩn mong đợi cửa 
Thấy bóng thầy vào bỗng sợ ngang 

(không phải là em hõng thuộc bài đâu mà tại sợ thầy biết tỏng tòng tong là em dám... thương thầy mà cũng như thày em... thương mà hỏng dám nói cho ai biết hết á!) 

Yêu không nói, duyên tiếc võ vàng 
Thầy đâu thấu nỗi tình em mang 
Nhìn qua thầy khác cùng chung lớp 
Chi rứa? Thầy ta bỗng... đầu hàng 

Em đành ngả khác lên xe bông 
Khép nhớ yêu ai qua ảnh... chồng 
Ai ở nơi xa nào có biết 
Bao năm em nặng mối tình không 

Xuân này, thầy nói nhớ, nói quên 
Tìm lại tình xưa chốn... cõi trên (inh-tẹt... nét) 
Yêu người (xưa) bên cạnh giờ đã lỡ 
Thôi đành yêu đỡ người... (bây giờ) cạnh bên... 

Há thầy há...! 


Trịnh Đức Dzũng - MĐC K72 



Tình nghĩa Mạc Đĩnh Chi. 

 


Mới đầu năm con khỉ, 
Thầy trò Mạc Đĩnh Chi, 
Ăn nhằm cái thứ gì, 
Mà nổi hứng quá nhỉ, 
Từ bên Úc đến bên Mỹ, 
Thơ phú thật ầm ỹ, 
Có vẽ tương đắc ý, 
Nghe cũng khoái lỗ nhĩ 
Nhưng đừng ai phật ý, 
Hãy giử cho bền bĩ, 
Tình nghĩa Mạc Đĩnh Chi. 

Kính, Thân, 


Việt Xuân




QUỶ CỐC HỒI 31 Thượng thọ - Côn Luân luận kiếm tranh hùng

QUỶ CỐC HỒI 31  Thượng thọ - Côn Luân luận kiếm tranh hùng


_Lần trước tại Cửu Tuyết Đầm , Lâm nhi phải dụng công với tên thô lổ Trương Thất Tú Long Môn Chủ , tuy không phân thắng bại , nhưng việc này cũng là công đức cho bổn môn …
Các trưởng bối à lên một tiếng , vậy ra các vị này lớn tuổi , ít lui tới giang hồ và về lại Côn Luân nên chưa biết việc này .
Bành Dung Toại đưa mắt nhìn về phía Lâm Mã Chấn , ông lớn tiếng :
_ Hay đấy , kễ ta nghe nào …
Đám hậu bối sôi nổi hẳn , hình như bọn này nghe đánh nhau thì cương cường hẳn lên , một tên trong Cửu Kiếm la lớn :
_ Lâm huynh kễ lại đi …
Tiếng vỗ tay rào rào nghe rất khí thế , hội nghị phút chốc nhộn nhạo , Lâm Mã Chấn bất ngờ trở thành anh hùng bất đắc dĩ thì ngượng ngùng , đỏ mặt tía tai , không nói được lời nào , Mai Viên Hồng Cô trong một giây cũng thấy vui lây , nàng đưa một cái nhìn khuyến khích về phía Lâm Mã Chấn , thế là Nhị hiệp nhà ta cảm thấy vô cùng sung sướng , ít ra cũng có lúc mình trở thành anh hùng thần tượng chớ bộ .
Lâm Mã Chấn kịp thời trấn tỉnh trở lại , chàng ra vẽ khiêm nhường , hạ giọng :
_ Cung kính chư vị trưởng bối , chư huynh đệ tỷ muội , việc đó không có gì là vinh hạnh cả , chỉ là ….chỉ là… nói đến đó Lâm Mã Chấn ngập ngừng ra vẽ không có gì , chuyện nhỏ ý mà .
Mai Viên Hồng Cô đứng ngay dậy , nàng phấn khích cung tay về phía các trưởng lão , Bành lão rồi nói :
_ Việc này tiểu nữ chứng kiến đầu đuôi , xin mạn phép thay Lâm huynh kính  tường cho hội nghị ạ …
Tiếng vỗ tay rào rào , chưa bao giờ Côn Luân hội nghị mà lại vui như vậy , thế là Mai Viên Hồng Cô liếng thoắng kễ lại , nàng không quên pha thêm vài bình luận về Trương môn chủ làm các lão nhân vuốt râu cười khà khà , còn bọn tiểu bối thì cười nghiêng ngã …
Mọi người quên mất Bành Cổn , quên mất hiểm họa ác ma , mọi người lại thấy lạc quan , lại thấy Côn Luân đứng lên , tỏa sáng …

Đợi khi hội nghị đã bình tâm , Bành lão chưỡng môn lúc này ông mới e hèm một tiếng rồi nói :
_ Côn Luân ta nhờ hồng đức bao đời của tiền nhân , anh hùng kiệt liệt lúc nào cũng có , thời nào cũng xứng mặt danh môn chính phái của giang hồ võ lâm thiên hạ , thế cho nên lần này bổn chưởng môn cũng rất áy náy khi lựa chọn người kế tục …
Nói đến đây ông bỏ lửng , hội nghị bất chợt lắng xuống , như thế thì như thế nào ?  chẳng phải lâu nay mọi người đồn đoán là Bành đại ca sẽ lên ngôi hay sao ?
hay Bành lão còn có ý gì ? hay muốn đề nghị của mình về Bành Cổn phải được mọi người tâm phục khẩu phục ?
Một cửu kiếm chợt la lên :
_ Tỷ thí !
Thế là hội nghị lại bùng lên , mọi người bàn tán đủ kiểu , các trưởng bối của Côn Luân cũng ra vẽ trầm ngâm , đắn đo …

Bành Cổn cũng hơi bất ngờ trước diển biến sự việc , mặc dù không thích thú mấy với cái chức chưởng môn , nhung chàng cũng cảm thấy hơi tự ái một chút , chẳng phải chàng là nhất hiệp của Côn Luân hay sao , võ công của chàng nếu không tính đến các bậc trưởng bối thì phải kễ là hạng nhất Côn Luân , những đệ tử ngoại môn cũng chưa chắc bì kịp , tỷ như tên Lưu Thủy Lang ngồi kia chẳng hạn , hay bọn cửu kiếm mới nổi , tuổi trẻ hăng máu thôi .

Bành Khoái Hạc vuốt râu cười tủm tỉm , ông biết rằng luận về võ công thì chưa chắc có ai đánh bại được Bành Cổn , những trưởng bối già nua thì không còn  ham muốn cũng như dũng khí để đảm đương cương vị chưởng môn , bây giờ nếu cuộc tỷ thí diễn ra phần thắng e là sẽ đến tay Bành Cổn , cháu ruột ông , cũng là nghi can phản loạn theo suy diễn của ông , nhưng một mình Bành Cổn thì không làm gì được , phải có đồng bọn chứ nhỉ ?

Thất Hùng Côn Luân thì lớn tuổi hơn Bành Cổn cũng có , nhỏ cũng có , bọn cửu kiếm  thì tuổi trẻ ngông cuồng , bọn chúng chỉ coi các đại ca Thất hùng như những huynh trưởng già nua sắp xuống lổ , mặt thì tâng bốc còn trong lòng hơi có chút xem thường , còn bọn ngoại môn , bọn này cũng ít khi về môn phái , khó biết bọn chúng thế nào , thôi thì cho bọn chúng tự chường mặt ra , lại còn có tiếng công minh không thiên vị bà con em cháu .

Nghĩ đoạn , Bành lão đứng dậy cung tay vái các bậc cao thủ trưởng bối của Côn Luân rồi quay sang những kẻ còn lại , ông nói :
_ thưa các bậc trưởng bối , các cao thủ đệ tử Côn Luân , ta thật không muốn các con động thủ làm gì , nhưng trong ngày vui các con tranh kiếm luận văn , so tài cao thấp cũng là một cái hay , không nhất thiết người thắng sẽ được tất , cũng còn sự lựa chọn của các trưởng lão , của chưỡng môn đễ tìm ra người xứng đáng , văn võ song toàn , thấu thị đại cục , chu toàn tiểu tiết …

Bành lão còn thuyết một hồi lâu , bọn đệ tử trẻ tuổi của Côn Luân thì rất lấy làm phấn khích , bọn chúng bàn tán sôi nổi , một người còn lên tiếng đề nghị lập qui thi đấu , xem như cũng là một dịp đễ phô trương sở học , và cũng là thị oai với quần hùng ngày mai …

Thế là ngày mai , đúng ngọ , sau khi kết thúc phần lễ lạt thượng thọ của chưởng môn , bọn đệ tử Côn Luân sẽ bắt đầu luận kiếm tầm cao nhân , các cao thủ sẽ thách thức và thi đấu , giới hạn trong vòng hai mươi chiêu , kẻ nào thua coi như bị loại …

Ngay chiều hôm ấy , cả Côn Luân rộn ràng với việc luận kiếm , một việc ngoại lệ , quần hùng tham dự thượng thọ cũng hào hứng sôi nổi không kém , họ tiên đoán người này kẻ nọ thắng thua vang dậy khuôn viên của Côn Luân , một trận náo nhiệt thật là hào hứng không kém phần gay go sẽ diển ra ngày mai…

Cách Côn Luân chừng hai mươi dặm , bổng có tiếng ngựa hí vang , chiều buông xuống nhanh , tiếng vó câu rầm rập vun vút trên con đường mòn dẩn vào chân núi …

Một bóng ngựa không có người cởi lao đi nhanh như tên bắn , quả là một thần mã , thoáng chốc đã mất hút cuối con đường , bóng tối đã nhanh chóng tràn về , tiếng chim quàng quạc bay về tổ làm xao động một góc trời , Côn Luân đã tràn ngập ánh đuốc bập bùng , những đống lửa bốc cao soi sáng một góc núi , các đại hiệp ,nữ hiệp , lão hiệp và nhiều các hiệp khác người thì rượu vào lời ra , kẻ thì chén trà chuyện trò râm ran , tất cả đều trông chờ cuộc náo nhiệt ngày mai…

Hừng đông , ba hồi trống dồn dập báo hiệu ngày lễ chính thức thượng thọ của Chưởng môn Côn Luân kiếm phái đã đến .

Từ chiếc cổng chạm trổ công phu to lớn , cắm đầy cờ xí  người ta thấy chạm hai câu đối bằng chữ triện rồng bay phượng múa , “ Nhất thủ di sơn , Vạn ngôn bất xứng “ ( tạm dịch theo tiếng Giao  Châu : một tay dời núi , vạn lời cũng không nói hết ”  ý nói Côn Luân hùng mạnh mà bao nhiêu lời cũng không thể nói hết được , quả là một hùng ngôn , cường khẩu khí  .)

Từ cổng bước vào khoảng bốn mưoi chín bước  là một chiếc đỉnh bằng đồng to lớn chứa đầy những viên bi sắt to có nhỏ có , to thì bằng quả trứng , nhỏ chỉ bằng hạt tiêu , giửa đỉnh có cắm ba thẻ nhang cực lớn đang phun khói mù mịt theo gió sớm , hai con đường song song lát đá núi lởm chởm đầy gai đá sắc nhọn e rằng người thường và giới giang hồ công phu kém khó lòng bước qua mà chân còn nguyện vẹn  , chắc hẳn cũng có vài chư vị đồng đạo võ lâm bị gai đá đâm vào  sướt da chảy máu nên mấy  ngày nay có tiếng chưởi thề lầm thầm , làm một vài cao thủ , kể cả Bành chưởng môn cũng  hắt hơi mãi .

Hai con đường song song ấy một bên dành cho nữ giới , một bên dành cho nam giới , chúng chạy đến một tòa điện cổ kính rêu phong , có lẻ cũng vài trăm năm , thềm đá có bảy nấc  dẩn đến một cửa lớn , đang mở toác , bên trong đèn đuốc vẩn còn được thắp sáng , , dọc theo hai bờ tường là các môn nhân Côn Luân trong trang phục màu xanh nhạt cắp  kiếm sáng quắc đứng canh .




Trước mặt hàng môn nhân này là hai dãy bàn dài song song với chiều dài tòa điện , nơi đây dành cho những môn đồ , cao thủ có vai vế nhỏ hoặc các đại ca ăn theo của các môn phái , chính giữa tòa điện là hai hàng ghế bọc gấm sau những chiếc bàn nhỏ có mặt cẩn đá mài nhẳn rất đẹp  dành cho các bậc trưởng thượng của các môn phái , những hàng trên có lẽ là bốn đại môn phái của  võ lâm là Thiếu Lâm , Võ Đang , Nga My , Không Động , kế đến là các môn phái trong liên minh thượng đạo diệt ma của Côn Luân , bửa hôm họp bố trí vị trí , có nhiều cao nhân Côn Luân đặt vấn đề Long Trấn Môn , họ cho rằng một võ đường quèn với vài trăm môn nhân , hành nghề bảo kê bảo tiêu , hành tung đáng ngờ như thế thì không thể sắp xếp ở vị trí cao được , e là các môn phái thuộc bạch đạo  không hài lòng , có kẻ lại cho rằng Long Trấn Môn dù gì cũng đồng hội đồng thuyền với Côn Luân , nếu khinh thị Long Trấn Môn ắt sẽ mất lòng các môn phái còn lại , huống chi Côn Luân đang có thời cơ đễ tranh thủ các môn phái khác hầu mở rộng liên minh , kế hoạch cũa Bành Khoái Hạc chưởng môn đại nhân sẽ có cơ không thành nếu  nội bộ  lủng củng , không có gì sỹ nhục hơn là bị khi dễ , trong trường hợp này đó là Long Trấn Môn , Huyền Cơ Thủy Cung , Minh Đạo Thiền Viện , cuối cùng mọi người cũng nhất trí xếp bốn môn phái trong liên minh ngồi sau bốn danh môn chính phái lừng danh giang hồ.

Đây cũng là việc chẳng đặng đừng vì vẩn còn nhiều phái khác mà danh trấn võ lâm hơn hẳn các đại ca vừa kể , tỷ như Đại pháp Tự , Thanh Thành , Tuyệt hồn cốc , hay Cái bang , Thập nhị Tiên động  .v.v.

 Trên hàng ghế chủ tọa , ngay giửa là một chiếc ỷ chạm trổ mấy con cọp , con lân lại có hai con trăn bằng đồng đúc quấn dưới chân ghế , chiếc ỷ được phủ một tấm nhung màu gụ , có lẽ là một món quà mừng thọ của một cao nhân nào đấy , hai bên chiếc ỷ là hai hàng ghế bọc nhung chắc cũng dành cho các khách mời hàng chưởng môn các phái , ngay sau hàng ghế này là hai dãy ghế cũng bọc nhung dành cho các vị kém vị thế hơn một chút ,  sau lưng hai dảy ghế lại là những bức trướng đủ màu sắc đủ cở , ghi những lời chúc tụng tán dương Bành chưởng môn và Côn Luân của các môn phái , trên cao là một bức hoành phi sơn son thếp vàng “ Côn Luân nhất kiếm , bắc chinh vạn diệt “
 ( bắc chinh ở đây có ý nhắc đến chiến công oai hùng năm xưa ở Thiên Sơn )  tòan những lời “tự sướng “đằng sằng lẩm liệt , vì dù thế nào thì Bành chưởng môn cũng đã song đấu với đại ác ma Tử Y Ma Vương Bất Nan Nạp giáo chủ Thiên Ma giáo năm xưa , hy sinh vì đại cục một cánh tay trái vì Ma Vương chơi ăn gian , dùng Thiên Chỉ Tà Ma ( Thiên Chỉ Thần Thông  ) quét trúng mà không báo trước  .

Rất nhiều những giá để binh khí được sắp dài theo tường của “hậu điện “ ( tạm gọi như thế ) thôi thì thập bát ban binh khí , rồi trường kiếm , đoản kiếm , liểu kiếm , khoái đao, hằm bà lằng đủ thứ kể không xuể …

Bắt đầu giờ mẹo thì người ta thấy các môn đệ Côn Luân bắt đầu hướng dẩn một số quan khách loại hạng thứ vào trước , nhiều người ngắm nghía  , trầm trồ bàn tán chỉ trỏ , lúc này thì ban bệ của Côn Luân đang bắt đầu làm lể tại tổ sư đường , bái kiến báo công với tiền nhân sư môn , dâng hương lên bách liệt vị cao tằng tiên tổ của nhà  Côn Luân .

Nghi lễ này không có sự tham dự của các môn phái làm khách , Bành lão chưởng môn cùng các trưởng bối , Thất hùng , Cửu Kiếm …
Năm nay có lẽ Cửu kiếm được vinh dự tham gia vào lễ dâng hương tiên tổ nên các chàng và các nàng rất phấn khích , có lẽ vì cảm thấy mình được xem trọng và quan tâm hơn.

Làm lễ dâng hương cũng đến một canh giờ mới xong , lúc này tại gian sảnh các cao nhân , đại hiệp  quần hùng đã tề tựu gần đủ , tiếng chào hỏi trò chuyện râm ran nghe ra rất hào hứng , vui vẽ , tuy nhiên một số bậc trưởng thượng thì có vẽ đăm chiêu vì tin đồn Côn Luân đang muốn nắm lấy ngọn cờ tiên phong thượng đạo diệt ma năm xưa .

Ngồi hàng đầu người ta đã thấy có sự xuất hiện của sáu vị cao tăng Thiếu lâm , dẩn đầu là một vị cao tăng vận cà sa vàng sậm , lông mày trắng như tuyết ,tay lần tràng hạt , ngồi hai bên là hai vị khác tay cầm thiền trượng , miệng đang lẩm nhẩm  đọc kinh  , các cao đồ Thiếu Lâm có vẽ không dính líu gì đến cái đám cao thủ phía sau đang ồn ào nói cười .

Bên trái cũa các vị cao tăng Thiếu Lâm là bốn cao thủ của Không Động , vận tuyền là đạo bào màu trắng với hình âm dương sau lưng , có hai vị còn cầm theo phất trần trông giống các ông bụt , các vị trong Không Động không hề nhìn sang phía Thiếu Lâm lấy một nửa ánh mắt , họ chỉ khẻ chào nhau lúc nảy khi Không Động dùng khinh công thần thông lướt nhẹ như ru vào sảnh .

Bên phía nữ giới thì hàng đầu là các bà già Nga My  , dẩn đầu là Lã Thị sư thái , chưởng môn đương nhiệm , đi theo bà là sáu bày nữ nhân già có trẻ có , trong đó cũng có vài đạo cô mặt mũi khá xinh  , làm  vài vị cao thủ võ lâm chậc lưởi tiếc rẻ .

còn tiếp

Bức tranh “buồn thảm” của showbiz Việt!

Bức tranh “buồn thảm” của showbiz Việt!
Dư luận đang “nóng” và giới truyền thông “chóng mặt” khi showbiz Việt những ngày này tự biến mình thành “cái chợ” khi các nghệ sĩ đua nhau bóc mẽ, kể tội nhau. Bức tranh văn hóa càng xám xịt hơn khi các cơ quan quản lý nhà nước cũng đòi “đưa nhau ra tòa”…
Khi "sân chơi giải trí" biến thành "cuộc chiến"
 
Đầu năm, chưa hết "nhức mắt" trước màn khoe thân lộ liễu của nhiều nghệ sĩ Việt, khán giả lại đau đầu trước những scandal "choảng" nhau trên báo chí của người trong giới showbiz.
 
Khởi nguồn của tâm điểm ì xèo dư luận phải kể đến chương trình tìm kiếm tài năng mới cho lĩnh vực thời trang Vietnam’s next top Model (VNTM). Thành viên BGK mới và cũ cũng “lời qua tiếng lại” không khuất phục về trình độ và cách hành xử của nhau. Nhen nhóm của “scandal to đùng” là khi “chân dài” Hà Anh (giám khảo của năm đầu tiên) và NTK Đỗ Mạnh Cường (giám khảo năm thứ 2) khích bác về trình độ của nhau trên trang mạng xã hội. 

Người mẫu Hà Anh và Tuyết Lan đang tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội
Ngọn lửa mâu thuẫn trong nội bộ VNTM càng bùng phát khi BTC chương trình bị nghi ngờ đã đánh tráo danh hiệu của Huyền Trang cho Tuyết Lan. Một bức thư mời biểu diễn từ Mỹ đã mời hai quán quân VNTM 2010 và 2011 là Tuyết Lan và Hoàng Thùy, nhưng trên thực tế Tuyết Lan chỉ là Á quân VNTM 2010.
BTC VNTM đang đứng trước sự chỉ trích gay gắt từ phía dư luận vì bị tố đã đánh tráo ngôi vị của Huyền Trang cho Tuyết Lan nhằm tạo đà thuận lợi cho “gà nhà”; dàn dựng kết quả từ trước cho hai đêm chung kết của VNTM 2011.
Ê-kíp BGK năm đầu tiên cũng lên tiếng đòi lẽ phải cho quán quân Huyền Trang. Giám khảo Hà Anh đã “tố” sự gian dối, lập lờ và thiếu trách nhiệm của BTC. Phía BTC cũng “bóc mẽ” Hà Anh muốn gây sự chú ý, nhỏ mọn và không xứng đáng là giám khảo của VNTM. Bản thân Tuyết Lan cũng lên tiếng kể tội bị “đàn chị” Hà Anh chèn ép trong quá trình dự thi. Đỉnh điểm của vụ ầm ĩ này là khi BTC VNTM đòi sẽ kiện Hà Anh và “chân dài” này cũng không ngần ngại đáp trả "Tôi mong được ra tòa để đưa mọi việc ra ánh sáng..."
Gây ồn ào trên báo chí không kém VNTM, tuần qua sân chơi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s Got Talent” cũng khiến dư luận “nóng” lên bởi “sự kiện Quỳnh Anh”. Thí sinh Quỳnh Anh và gia đình bị chỉ trích là lố bịch khi mẹ thí sinh Quỳnh Anh không chấp nhận việc con mình bị loại. Về phía gia đình Quỳnh Anh cũng lên tiếng tố cáo BTC đã cắt ghép, dàn dựng kịch bản biến gia đình cô bé trở thành trò hề, là tâm điểm bị cư dân mạng “ném đá”.
 
Mẹ thí sinh Quỳnh Anh tố cáo chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" cắt xén, dàn dựng kịch bản đẩy con gái mình vào làn sóng dư luận
“Cuộc chiến” đi xa hơn khi Quỳnh Anh gửi thư kêu cứu lên Quốc hội với những lời lẽ bị nghi là “do người lớn đạo diễn”. Trước sự việc này, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người lên tiếng công kích sự hơn thua thái quá từ phía gia đình thí sinh, người đồng tình thông cảm và yêu cầu cơ quan luật pháp vào cuộc, trả lại sự công bằng và sự bình yên cho cô bé tuổi mới lớn…
Phải thừa nhận rằng những đôi co ồn ào của hai chương trình giải trí trên khiến cho nhiều khán giả thời gian qua cảm thấy hoang mang, mệt mỏi. Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quá nhiều các chương trình, show game giải trí như hiện nay thì một số nhà tổ chức coi việc tạo scandal là cách pr…hiệu quả và nhanh nhất. Tuy nhiên, dù có thu hút thêm được một số khán giả thì với sự việc đã bị đẩy đi quá xa, “sân chơi” bỗng chốc thành “cuộc chiến” thì ít nhiều niềm tin của khán giả dành cho chương trình sẽ không còn. Đấy là chưa kể tính minh bạch và sự công bằng của các sân chơi giải trí chắc chắn sẽ bị khán giả hoài nghi, thậm chí bị tẩy chay.
Cơ quan quản lý - chưa êm chuyện "bản quyền"
 
Chưa hết nản với cuộc khẩu chiến như “hàng tôm, hàng cá” của nghệ sĩ trong giới showbiz, khán giả Việt lại được phen ngán ngẩm với cách hành xử có phần chưa thật êm xuôi của các cơ quan quản lý văn hóa.
 
Câu chuyện tranh cãi về vấn đề bản quyền âm nhạc giữa hai đơn vị là Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) trong tuần qua khiến cho không chỉ những người trong giới mà ngay cả công chúng cũng nhăn mặt.
 
 Ông Vương Duy Biên - Cục Trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (trái) và nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC
Cuộc chiến đòi tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc đã diễn ra âm ỉ nhiều năm nay, nhưng phải đến vụ ồn ào bản quyền xung quanh hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn dịp 8/3 tới, các nhạc sĩ lão thành mới quyết tâm cùng ngồi lại với nhau, thông qua VCPMC chính thức lên tiếng đòi quyền lợi. Ngày 16/2, hơn 30 nhạc sĩ thuộc hàng tên tuổi, kỳ cựu của làng âm nhạc Việt Nam đồng loạt nói lên nỗi ấm ức, bức xúc bấy lâu nay.
Và vấn đề bản quyền sẽ không trở thành cuộc khẩu chiến “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại” giữa Cục và VCPMC nêu như hai đơn vị này không đưa lên trang web của mình những bài viết bới móc, “kể tội” nhau nặng nề. VCPMC bóng gió nói Cục rằng “Nên hiểu luật, và phát ngôn có trách nhiệm?” còn phía Cục thì “tố” VCPMC “lừa dối các nhạc sĩ, thu chi thiếu minh bạch”…
 
VCPMC vốn được thành lập với danh nghĩa là tổ chức nghề nghiệp thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam. Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại là đơn vị quản lý văn hóa, cấp phép biểu diễn thuộc Bộ VHTT&DL. Cả hai đều được coi là những cơ quan có tiếng nói trong lĩnh vực văn hóa, lẽ ra phải cùng nhau ngồi lại đưa ra những động thái tích cực về hoạt động cấp phép cũng như vấn đề bản quyền nhưng xem ra cách hành xử lại… thiếu chuẩn mực! 
Nguyễn Hằng

Thành Lộc: 'Tôi quyết không đi bằng đầu gối'

Thành Lộc: 'Tôi quyết không đi bằng đầu gối'

'Tôi vượt qua tất cả nhờ vào lòng tin quá mạnh vào tổ nghiệp và khả năng của bản thân. Tôi đã sống và quyết không đi bằng… đầu gối'.

Buồn bực, lo toan, tôi đều rũ bỏ ngay trước cửa nhà
- Xem anh diễn say sưa trên sân khấu, nhất là các vai diễn trong các vở kịch dành cho thiếu nhi, ít ai nghĩ rằng anh đã ngoài 50 tuổi. Anh có thể chia sẻ những bí quyết đã làm anh trẻ lâu ở ngoại hình cũng như trong nghề nghiệp?
Có được điều đó là do tôi yêu công việc. Tới thời điểm này, tình yêu đó vẫn chưa hề suy giảm. Bao giờ bước ra sân khấu, tôi cũng trong một tâm thái phấn chấn, vui vẻ và lạc quan như thuở ban đầu. Nói về mặt kỹ thuật của diễn viên, đó chỉ là sự hóa thân vào nhân vật thôi. Khi người diễn viên có tình yêu công việc thì sự hóa thân sẽ trở nên rất dễ dàng, trọn vẹn, không chỉ đối với sân khấu thiếu nhi mà còn cả sân khấu người lớn. Quan trọng hơn hết, tôi đã tập cho mình tính lạc quan trong cuộc sống, tiếp nhận mỗi vấn đề đến với mình bằng một tâm thái rất hồn nhiên, vui vẻ. Rất ít ai thấy tôi mang nỗi buồn lên sân khấu!
- Có nghĩa là có lúc anh cũng phải “gồng”, che giấu nỗi buồn của mình trước cuộc đời?

Không, không có gì mà phải “gồng gánh” cả. Tôi có khả năng loại bỏ những “tạp chất” trong tâm hồn mình rất nhanh. Sau một ngày, tất cả những buồn bực, lo toan, tôi đều rũ bỏ ngay trước cửa nhà. Chính vì vậy mà tôi luôn có một giấc ngủ rất là ngon.


- Nghe anh nói, có vẻ những nỗi buồn, lo toan không thể nào chạm vào cuộc sống của anh được?

Đúng là như vậy. Tôi đã tập cho mình có khả năng đề kháng với nỗi buồn đã gần 20 năm nay rồi! Tôi không phải là thần thánh gì nhưng tôi cương quyết không để những phiền toái nằm trong đầu lâu hơn 24 giờ đồng hồ!
- Vậy trước đây 20 năm, anh đối phó với những buồn bực thế nào?

Hồi ấy, khi có những chuyện buồn phiền, tôi cứ mang nặng trong lòng hoài, rất lâu. Tâm thái không bình ổn kéo dài đã là nguyên nhân làm tôi bị đau bao tử. Tôi phải sống chung với những cơn đau hành hạ thể xác, có đêm tôi phải thức trắng. Kinh khủng hơn, tôi đã nhiều lần đối mặt với cái chết. Những lúc ngồi trước gương để hóa trang, tôi thảng thốt vì những vết chân chim, những quầng hiện ngày càng nhiều trên khoé mắt. Tôi thấy mình già và tàn tạ nhanh quá. Từ đó, tôi hay nổi cáu vô cớ với những người xung quanh. Cuối cùng, tôi tự nhủ: cứ sống trong buồn phiền mãi, cũng chẳng ai giúp mình giải quyết, ngoài bản thân. Thôi thì không buồn phiền nữa, cứ yêu đời mà sống!
Biết đâu 10 năm nữa, cách diễn của tôi sẽ trở thành lạc hậu

- Khán giả của anh thuộc đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi: bình dân, trí thức, người già và thiếu nhi. Anh có thấy mình quá “tham lam” trong việc thu vén hết lượng khán giả về mình?

Khi lao vào công việc, tôi không có ý thức được là mình tham lam hay không. Làm được điều đó, là một sự may mắn, niềm vui đối với người nghệ sĩ, không chỉ riêng gì tôi. Nghệ thuật vốn dĩ có sứ mạng hướng con người đến những giá trị đích thực: chân - thiện - mỹ và bổn phận của người nghệ sĩ là phải hướng khán giả đến giá trị mang tính nhân văn.
- Anh nói thế nghĩa là anh sẽ rất kén kịch bản. Để có những vở kịch hay, anh phải giải quyết thế nào trong tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay?

Tôi không đánh giá công việc mình đang làm quá cao đâu! Tôi nghĩ mình là một người sống thực tế và nhận ra được vấn đề. Nếu ví sân khấu kịch là một mâm cỗ, thì thực đơn ở nhà hàng của chúng tôi có rất nhiều món ăn để phục vụ cho nhiều khẩu vị khác nhau, từ cao cấp cho đến bình dân. Các món ăn đều hướng đến tiêu chí là phục vụ cho thực khách sự ngon miệng.
- Nhiều người nói rằng rất khó tìm ra một Thành Lộc thứ hai cho sân khấu kịch, tính đến thời điểm này. Anh nghĩ sao về điều đó?

Nếu điều đó là sự thật, tôi rất hãnh diện. Cái gì “có một không hai” sẽ trở nên rất quý. Nếu nghĩ theo một ý khác, điều đó không có gì đáng buồn cả. Tôi luôn quan niệm rằng, trong nghệ thuật không có chuyện ngôi sao này sẽ thay thế ngôi sao kia mà chỉ mọc thêm ngôi sao khác. Biết đâu 10 năm nữa thì cách diễn của Thành Lộc sẽ trở thành lạc hậu và chẳng ai muốn diễn giống Thành Lộc nữa?

- Cũng có người bảo Thành Lộc khôn. Cứ “dụ” khán giả nhóc tì, thế nào các cháu cũng vòi vĩnh cha mẹ đi xem cùng. Một mũi tên, trúng… ba con chim. Đó là một “chiêu” kinh doanh của các anh?

Gần đúng như những điều bạn hỏi, nhưng phải hiểu rộng hơn nữa. Xin nhấn mạnh: tiền thân của sân khấu kịch IDECAF (Viện Trao đổi văn hóa với Pháp – TP.HCM) là một sân khấu thiếu nhi. Đến lúc thành công, chúng tôi mới phát triển thêm sân khấu kịch dành cho người lớn và vẫn duy trì sân chơi này cho các cháu. Chúng tôi đều là những người rất yêu trẻ nhỏ và nhận thấy trẻ em Việt Nam mình bị thiệt thòi quá, gần như không có ai quan tâm đến mảng giải trí dành cho các cháu. Thỉnh thoảng, đây đó phát động phong trào này, phong trào kia, có hội diễn này, hội diễn nọ, thậm chí tổ chức liên hoan sân khấu quốc tế dành cho thiếu nhi tại Việt Nam rất rình rang, đình đám nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Tất cả dường như chỉ mang tính tự phát nhằm lấy thành tích.
Anh em chúng tôi, nhất là anh Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu kịch IDECAF, đã dốc tâm cho ra đời một sân khấu kịch dành riêng cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn thường xuyên làm băng đĩa để các tác phẩm kịch nói đến tay các cháu ở nông thôn, không có điều kiện xem trực tiếp. Thành lập sân khấu kịch cho thiếu nhi, chúng tôi đã và đang “ươm mầm” một lớp khán giả thích bộ môn kịch nói riêng và sân khấu trình diễn nói chung trong tương lai. Ngay từ nhỏ, các cháu đã thích xem sân khấu trình diễn thì khi lớn lên, chắc chắn các cháu không thể nào thay đổi sở thích được.
- Một tên tuổi Thành Lộc sừng sững, giả sử một ngày nào đó, anh chỉ cần diễn tệ một vai duy nhất, dù nhỏ, có thể người ta nói: “Thành Lộc bây giờ diễn không còn hay như ngày xưa nữa, oải lắm”. Anh có cảm thấy bị áp lực vì danh tiếng của mình?

Đối với một tuổi nghề, nhiều kinh nghiệm như tôi, sẽ không vất vả lắm khi tiếp cận những nhân vật mới. Tôi cũng xin nói rõ: Từ lúc bước chân vào nghề đến bây giờ, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ phân biệt một vai diễn “nhỏ” hay “lớn”. Sân khấu vốn dĩ mang tính kỷ luật, ngày hôm nay anh có thể là trung tâm của một đêm diễn, nhưng qua đêm sau, vị trí đó có thể là của một đồng nghiệp khác. Quan trọng nhất, dù anh đứng ở góc nào của sân khấu, vai phụ hay vai chính, anh cũng phải giữ được sự chín chắn của nghề nghiệp. Áp lực với chính bản thân khi nhận vai diễn mới là làm sao mình vẫn giữ được nét thanh xuân nghề nghiệp và diễn có hồn. Nếu diễn vai mới không thể hay hơn vai cũ, thì cũng phải làm sao cho bằng, chứ không thể tệ hơn được.
Tôi đã sống và quyết không đi bằng… đầu gối!

- Anh chịu ảnh hưởng gì từ người cha trứ danh của mình, NSND Thành Tôn?

Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cá tính của ba, chỉ có điều tôi không có máu Lương Sơn Bạc như ông.
Ngày xưa, ba tôi chạy ghe đi hát ở Nam Kỳ lục tỉnh, nơi nào có cường hào ác bá ăn hiếp nghệ sĩ là ổng xách mã tấu ăn thua đủ. Ổng rất thích bênh vực người nghèo và những người yếm thế. Tính này tôi giống y chang ông già. Sự chân thành, thẳng thắn của tôi đã làm cho nhiều người thương nhưng cũng không ít người ghét.
- Vì vậy có nhiều người không hiểu, nói Thành Lộc chảnh?

Đúng rồi. Tính tôi không ưa những người nổi tiếng mà chảnh, xem người khác không ra gì. Ai chảnh là tôi sẽ chảnh lại gấp đôi, cho biết thế nào là lễ độ. Nhưng đó cũng chỉ là quan điểm sống quá khứ, cách đây đã nhiều năm rồi. Bây giờ tôi cũng chẳng quan tâm đến điều đó, đời người hữu hạn, sao ta không tìm đến niềm vui an lạc để mà tận hưởng nó mà lại rước thêm nghiệp vào mình để làm gì? Đối với những ai có cách sống không hòa hợp với mình thì tốt nhất là mình không thân cận, chỉ giữ lại ở mức độ cộng sự thôi, còn tình hình trở nên xấu hơn thì tôi chọn cách… rút lui! Tôi đã làm vậy nhiều rồi, lại thấy lòng mình thanh thản lắm. Thường người ta lại không "tử nạn" vì kẻ thù trước mặt, mà lại là nạn nhân của những lời đồn đại sau lưng, ai "nghe đồn" tôi "chảnh" ư? Thì cứ kết giao và làm việc cùng tôi một mùa đi, bạn sẽ tìm được câu trả lời ngay thôi mà.

- Anh có thể kể về một việc làm ngang bướng của anh?

Vào thập niên 1980, ai ở trong biên chế, ăn lương nhà nước là một điều gì đó ngon lành lắm. Thế mà tôi đã xin rút ra khỏi biên chế của Sở Văn hoá – Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hoá – Thể thao - Du lịch TP.HCM), làm một diễn viên tự do, chỉ vì phản đối cách hành xử sai trái của một số cá nhân, nhằm bảo vệ quyền lợi cho anh chị em công nhân hậu đài. Tôi còn nhớ một vị cán bộ văn hóa đã đến nhà tôi, năn nỉ tôi đứng về phe người đó, nhưng tôi đã đuổi thẳng: “Đi ra khỏi nhà tôi ngay!”.
- Cam go cho anh quá nhỉ...

Chưa hết đâu, tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi mua trả góp một chiếc xe hơi, tôi đã bị “chụp mũ” rằng: “Thành Lộc đã bị tư nhân mua chuộc”! Ghê lắm! Tôi từng bị “chụp mũ” nhiều chuyện kinh thiên động địa, không thể tưởng tượng ra nổi!
Khi chúng tôi bắt đầu hình thành sân khấu IDECAF, người ta còn “chọt” lên tới lãnh đạo thành phố, vu khống tôi là “mầm mống phá hoại các đơn vị nghệ thuật nhà nước, mang văn hóa tư sản vào”. Tôi vượt qua tất cả nhờ vào lòng tin quá mạnh vào tổ nghiệp và khả năng của bản thân. Tôi đã sống và quyết không đi bằng… đầu gối.
- Là một người có ngoại hình không được… vạm vỡ nhưng anh lại rất ngang tàng, có quyền lực trong giới sân khấu. Những điều đó xuất phát từ đâu?

Từ uy tín nghề nghiệp của tôi!
- Hoạt động nghệ thuật lừng lẫy như thế, cho đến giờ phút này anh thuộc tầng lớp giàu hay nghèo?

So với những người hoạt động nghệ thuật cùng thời, tôi là người nghèo nhất. Tôi từ chối rất nhiều cơ hội. Ngày xưa, có một đồng nghiệp nữ cùng thời với tôi có nói: “Em thấy anh khờ quá, cờ trong tay mình phải phất chứ”. Tôi chỉ mỉm cười, không đáp lời, vì mỗi người có một cách sống riêng. Hiện nay, cô đồng nghiệp này đang có trong tay một tài sản kếch xù đấy!
- Cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân của mình cho nghệ thuật, tại sao đến lúc này anh vẫn chỉ là NSƯT mà chưa được phong là NSND?

đơn giản là vì tôi không thích làm đơn, làm thủ tục để “xin” được phong tặng!