Feb 1, 2012

Dở khóc dở cười chuyện đi xem bói đầu năm

Dở khóc dở cười chuyện đi xem bói đầu năm
Đầu xuân năm mới, các bạn trẻ nô nức rủ nhau đi lễ chùa xin thẻ, xem bói... để xem năm nay mình có gặp may mắn hay vận hạn gì không. Nhưng cũng có khi xem bói cũng gây nhiều phiền phức, người xem bói thường vui ít buồn nhiều...
Đi lễ chùa và xin quẻ - một phong tục ý nghĩa 
Trong những ngày đầu năm, rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin quẻ. Đây là một hình thức tin vào các quẻ thẻ có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm. 
Rút quẻ cầu may
Rút quẻ cầu may
Người xin thẻ dâng lễ rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán, trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn gọn rút từ điển tích Trung Hoa cổ. Căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó.
Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ giấy in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn. 
Sáng mùng 1 Tết, rất nhiều người đã đổ đến các đình chùa để đi lễ, rút thẻ cầu may. Ngoài vàng, hương, lá số tử vi và các quẻ thẻ cũng rất đắt hàng, chỉ từ 5-10K là bạn có thể rút một “thẻ”. 
Một số đình, chùa thì sau khi lễ xong, các sư thầy sẽ cho bạn bốc một thẻ hoàn toàn miễn phí. Các quẻ thẻ phần lớn là nói những điều tốt, chỉ nhắc nhở một vài điều nên cẩn thận trong năm sau, như “Cẩn thận tiền bạc, phòng tránh tai nạn”… Người đọc thẻ xong sẽ thêm tinh thần lạc quan vui vẻ trong những ngày đầu năm mới, biết được những gì nên làm. 
Đây là một truyền thống lâu đời của dân tộc ta, thể hiện niềm tin và mong muốn được may mắn thành đạt. Vì thế, việc đi chùa cầu may mắn và xin quẻ đầu năm là hoàn toàn nên làm nhé. Tết này các bạn trẻ thử lên chùa xin thẻ xem sao.
Quá tin, rước lo vào người
Song song với việc xin quẻ thì cũng có rất nhiều người đi xem bói, với lí do “quẻ thẻ trên chùa nói chung chung quá, phải đi xem bói nghe người ta nói trực tiếp mới tin được”. Tin được hay không thì không biết, nhưng đã có lắm chuyện bi hài do đi xem bói đầu năm. Vì "nghề xem bói” ăn nên làm ra nên các “thầy” cũng có nhiều chiêu để cạnh tranh. Thậm chí, nhiều thầy bói còn tiếp thị trên mạng Internet, sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Có nhiều phụ nữ có gia đình chỉ vì nghe bói toán mà chuốc lấy nỗi hoang mang, lo sợ. Chị Hồng Thanh, 27 tuổi, có thói quen năm nào cũng đi rút thẻ và cúng lễ đầu năm tại chùa làng mình. Năm nay vì tò mò muốn hiểu rõ hơn quẻ thẻ vừa rút được nên chị tìm đến nhờ một bà "thầy" bói xem hộ.
Mùng 3 Tết, chị Thanh và mấy người bạn rủ nhau đến nhà bà bói ở xã bên. Vừa gặp chị, thầy phán: “Số cô năm nay gặp khó khăn về đường con cái, thậm chí sẽ không có con nếu không cúng giải hạn". Chị Thanh kể lại giọng vẫn đầy lo âu: “Tôi sợ quá hỏi thầy tiền cúng hết bao nhiêu? Thầy đáp, thầy chỉ làm phúc, tổng cộng hết khoảng... 24 triệu đồng. Nghe xong, tôi chết lặng, mấy ngày Tết về nhà ăn không ngon ngủ không yên”.
Chị Thanh một mặt tính toán vay tiền nhờ thầy cúng giải hạn, một mặt chị lại tìm đến một ông thầy khác ở làng Quảng Minh (Hà Nội) để xem tiếp. Tuy nhiên “ông thầy này lại phán khác hẳn bà thầy kia. Thật chẳng biết nghe ai, chị Thanh hoang mang.
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:"Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn""
Vào dịp đầu Xuân, nhiều bạn gái chưa chồng cũng hay rủ nhau đi xem bói. Tết năm nào Lê Thị Mai (Nghệ An), cũng đi xem bói. Năm nay có ý định lập gia đình nên từ mùng 2 Tết, cô gạt hết mọi kế hoạch du Xuân, đến chầu chực ở tư gia của thầy Đại, xem gia sự và hỏi ngày cưới.
Nghe thầy phán chưa yên, mùng 4 Tết, cô lại rủ một bạn gái đến nhà thầy Tr để tiếp tục nghe thầy này phán. “Nghe nói thầy này siêu lắm. Có người bị quỵt nợ 20 triệu đồng, đến đây nhờ thầy làm lễ mà đòi được nợ." Cô bạn gái đi cùng Mai đang có mong muốn nhờ thầy xem khoản tiền mấy chục triệu nhờ người ta thu xếp công việc vào làm ở công ty  sữa TH trong huyện liệu có mang lại kết quả gì không. Vừa đến phiên cô đặt lễ, thầy liếc một cái rồi phán: “Năm nay thì chỉ nên lấy chồng thôi. Còn việc ở công ty TH thì “HT” thôi. Tức là “hết tiền” ấy. Con hiểu chưa?”
Nghe xong, cô lo ngay ngáy. Mai an ủi bạn: “Đừng lo. Nghe nói ở xã Nghĩa Thắng có cô Tâm xem cũng được. Mùng 9 là trên đó mở cửa trời, mình lại lên coi”.
Những người "nghiện" xem bói có thể không quản đường xá xa xôi tìm đến những "thầy" được đồn thổi có "uy tín" và thậm chí có người còn tin vào thầy bói hơn tin vào chính bản thân mình. Đơn cử như trường hợp của bác sỹ V.T, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Là một bác sỹ có tay nghề khá, đáng lẽ phải tin vào khả năng chữa bệnh của mình thì vị bác sỹ này lại đặt hết niềm tin vào thầy bói. Mỗi khi có bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tìm đến chữa bệnh, bác sỹ này đều hỏi tuổi để nhờ "thầy" xem có sống được không rồi mới nhận chữa bệnh.
Có một chùa nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội nên cũng có nhiều thầy xem bói nổi lên. Người bán hàng trước cổng chùa chỉ ba điểm có thể xem nhưng khuyên nên đi xem thầy Thiện nhà cạnh gốc cây đa. Nhà thầy Thiện là một căn phòng trọ nhỏ với vài đồ đạc đơn sơ. Có khoảng 5 cô gái trẻ đang chăm chú nghe thầy phán số mệnh qua từng lá bài. 
“Trước nhà có một con sông chảy qua đúng không? Nền đất nhà có vong nên gia đình làm ăn khó, bố mẹ hay cãi nhau lắm đấy”. Nghe thầy phán, bạn nữ mặt mày tái mét nhưng băn khoăn: “Trước nhà không có con sông nào cả”. 
Thầy Thiện phán tiếp: “Có thể lấp lâu rồi”. Nói đoạn, thầy chốt hạ: “Năm nay làm ăn tốt, tháng 8 lấy được chồng. Chồng hiền lành, gia đình chồng gia thế lắm”. Bạn nữ mặt tươi tỉnh trở lại, ấn thêm tờ 50 nghìn đồng vào tay thầy. 
Một giảng viên lâu năm của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) cho rằng xem bói, rút quẻ ngày xuân là một truyền thống lâu đời của người Á Đông, thể hiện mong muốn được may mắn, thành đạt.
Tuy nhiên, quá mê tín vào những lời "thầy" bói phán để chuốc lấy hoang mang, lo lắng, mất thời gian, phí tiền bạc thì không nên chút nào, bởi việc rút thẻ, xem bói đầu năm chỉ là tham khảo cho vui chứ không hề có căn cứ khoa học.
Linh Linh
,

0 nhận xét:

Post a Comment