Jul 15, 2012

Câu chuyện thành công của một khoa học gia gốc Việt tại Mỹ


Câu chuyện thành công của một khoa học gia gốc Việt tại Mỹ

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm
CỠ CHỮ

M
ột người Việt tị nạn ở Mỹ tạo lập cuộc sống mới từ đầu bằng cách vừa đi phụ việc ở nhà hàng và xưởng đóng giày vừa cùng lúc dùi mài đèn sách để cuối cùng trở thành một nhà khoa học đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ danh tiếng của Mỹ, với trên 25 văn bằng phát minh sáng chế và nhiều giải thưởng vinh dự. Đó là câu chuyện thành công của tiến sĩ Cai Văn Khiêm mà Tạp chí Thanh Niên hân hạnh giới thiệu đến quý vị trong chương trình hôm nay. 
 
Tiến sĩ Khiêm vượt biên sang Mỹ năm 1975 sau khi quân cộng sản Bắc Việt thu tóm miền Nam Việt Nam. Những ngày đầu tới Mỹ, ông đã phải vất vả ngày đêm với công việc bồi bàn ở nhà hàng vào mỗi tối, tới khuya thì sang phụ việc cho một hãng đóng giày, còn thời gian ban ngày ông dồn tất cả vào đèn sách. Có lúc trong nhiều ngày liền ông không có được một giấc ngủ. Vậy mà chỉ hai năm đầu ở xứ người, ông đã lấy được bằng thạc sĩ và liền 4 năm sau đó, ông tốt nghiệp Tiến sĩ từ cùng trường đại học Purdue, bang Indiana, với luận án về viễn thông băng tần rộng, một trong luận án tiền phong trong ngành viễn thông di động.

Ông vào làm việc cho công ty Hughes Aircraft Company và trở thành Khoa học gia Trưởng của bộ phận chuyên trách lĩnh vực truyền thông bí mật và vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm của hãng. Khi công ty hội nhập với tập đoàn danh tiếng Raytheon, ông được bổ nhiệm làm Chuyên gia Cao cấp của Raytheon, phụ trách các đề án phát triển trong lĩnh vực truyền thông Multiband-Multimode và hệ thống định vị toàn cầu mới GPS III. Năm 2002, trung tâm nghiên cứu của ông tách rời ra khỏi Raytheon để thành một công ty riêng có tên là TelASIC, ông đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Kỹ nghệ Hệ thống của công ty này. Tại đây ông đã nghiên cứu phát triển kỹ nghệ truyền thông di động. Khi TelASIC nhập vào hãng MTI vào năm 2009, những kỹ nghệ ông phát minh được chuyển thành sản phẩm bộ thu phát vô tuyến từ xa cho thị trường điện thoại di động. Hiện ông là Phó giám đốc Cao cấp phụ trách về Công nghệ Di động Toàn cầu của hãng MTI, có nhiệm vụ khuếch trương trung tâm nghiên cứu kỹ thuật của công ty ở Mỹ và Đan Mạch.

Định cư tại bang California, Tiến sĩ Khiêm đang sở hữu hơn 25 bằng phát minh sáng chế trong lĩnh vưc truyền thông-tín hiệu và nhiều giải thưởng, trong đó có các giải thưởng của hãng Hughes dành cho kỹ sư trẻ xuất sắc và dành cho phát minh xuất sắc. Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết đăng trên các đặc san khoa học kỹ thuật. Đến với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, Tiến sĩ Khiêm sẽ chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết thành công của mình.
   
Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi cũng chỉ có một thành công rất khiêm nhường thôi, không có gì quan trọng lắm, nhưng dĩ nhiên là ai cũng phải đi qua những chặng đường khó khăn, vất vả để đạt được kết quả mình muốn. Đó là chất xúc tác để mình cố gắng hơn. Tôi nhớ năm 1975 khi tôi đến Mỹ, có khoảng thời gian tôi phải làm việc suốt mà không có được phút nào ngủ cả vì lúc đó tôi phải làm 2 công việc. Tôi làm bồi bàn tại một nhà hàng và làm trong một hãng đóng giày. Tối tôi làm nhà hàng, khuya tôi đi đóng giày, ban ngày tôi phải học để thi cuối khóa. Làm đóng giày tôi kiếm được khoảng 1,25 đô la/giờ. Lương làm nhà hàng chủ yếu nhờ vào tiền ‘tip’. Sau đó, trường đại học Purdue ở bang Indiana cho tôi học bổng vào chương trình cao học nên tôi không phải trả học phí. Trường lại trả lương cho tôi làm nghiên cứu khoa học. Cho nên, trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ việc cắp sách đến trường. Hồi tưởng trở lại, tôi cũng không thấy gì gọi là nặng nhọc lắm. Có lẽ nhờ thời tôi ở Việt Nam, tôi có sức chịu đựng rất cao. Người ta thường đi xe Honda hay xe đạp đến trường, tôi hằng ngày đi bộ 1 tiếng rưỡi đồng hồ tới trường. Học xong đi bộ về nhà 1 tiếng rưỡi nữa. Tôi muốn tự ép mình chút xíu về sức chịu đựng. Tôi cảm thấy đó là một sự tranh đấu cần thiết để rèn luyện sức chịu đựng của mình một chút. Khi tôi vào đại học Phú Thọ, ban ngày tôi đi đạp xe đi dạy kèm 2, 3 chỗ vì kế sinh nhai. Những điều đó tạo cho mình một sức chịu đựng và sau này trở thành những lợi thế cho tôi trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trà Mi: Một người Việt ngồi vào ghế điều hành cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ uy tín hàng đầu của Mỹ, cảm giác của tiến sĩ như thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Ước mơ của tôi là tìm ra một hướng đi, một cái nhìn mới trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật. Năm tôi 35 tuổi, họ mời tôi vào chức vụ Khoa học gia Trưởng. Công ty khoảng 60 ngàn nhân viên chỉ có 9 Khoa học gia Trưởng thôi. Tôi bước vào vị trí này giữa những người tóc bạc, tôi rất ngạc nhiên và hơi bàng hoàng lúc ban đầu. Tôi đặc biệt cảm ơn quốc gia này vì họ có cái nhìn rất cởi mở. Nếu họ cảm thấy mình có thể làm được việc, họ sẽ mở cánh cửa cho mình bước vào. Nói về cảm tưởng, tôi cảm thấy rất vinh dự cho cá nhân tôi và cho những người làm việc chung với tôi. Mình lại có một trách nhiệm cao hơn, làm sao có thể thỏa mãn được những trách nhiệm đó thì mình cảm thấy vui rồi. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Bên cạnh tôi là những cộng tác viên luôn đem lại cho tôi những giây phút hào hứng làm việ c chung.

Trà Mi: Từ các vị trí cao cho tới những bằng phát minh và các giải thưởng, những thành tích có ý nghĩa thế nào đối với tiến sĩ?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Những bằng cấp hay bằng phát minh đó, khi mình phát minh rồi, nó trở thành những phần tử chết, tức là những cái đã xảy ra rồi. Nó có thể đem lại cho tôi những hồi ức vui vẻ trong giây phút thôi, nhưng những cái làm tôi phấn chấn nhất là những bài toán mà chúng tôi đang đương đầu trong hiện tại và tương lai. Thành ra, nhiều khi tôi cũng không quan tâm lắm đến các thành quả đã đạt được vì đó là những cái đã đạt được rồi. Nhiều khi mình quan trọng hóa các thành quả cũ đó cũng làm mất đi ý nghĩa vì những phần tử mớ, phần tử sống nằm ở hiện tại và tương lai. Tôi chú tâm và muốn tìm những hạnh phúc mới của tôi trong những giờ giải những bài toán mới.

Trà Mi: Có thể nói đối với tiến sĩ, thành công và thành tựu là quá trình phấn đấu không ngừng, không có điểm dừng.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Dạ vâng.

Trà Mi: Nhìn lại chặng đường đã đi qua bằng một từ ngắn gọn để mô tả về nó, tiến sĩ sẽ nói gì? 

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chặng đường đó mỗi người phải tự tìm ra mục đích, hướng đi, và hạnh phúc của mình nằm ở đâu. Nếu chúng ta không thích làm việc đó, thì chắc chắn sự thành công nếu có cũng chỉ giới hạn thôi. Cho nên, chúng ta phải tìm ra sự thích thú trong công việc.

Trà Mi: Nhiều người ngày nay đánh giá sự thành công dựa trên hai yếu tố chính. Một là học vấn. Hai là có vai trò lãnh đạo. Liệu có phải đây là thước đo chính xác? Có thể có những con đường thành công khác hơn ngoài hai bàn đạp là học vấn và lãnh đạo hay không? Vừa là một nhà khoa học, vừa trong vị trí một người lãnh đạo, cái nhìn của ông về vai trò và tầm quan trọng của học vấn và tinh thần lãnh đạo đối với giới trẻ ra sao?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Người Việt Nam đặt sự thành công vào vấn đề khoa bảng. Nghĩa là muốn thành công phải đi qua con đường học vấn, dùng đó làm bàn đạp tới thành công. Điều đó không chắc hẳn như vậy. Tại Mỹ như chị cũng biết có các trường hợp, như ông Bill Gates chẳng hạn, trở thành những người thành công nhất. Tôi cho rằng có nhiều phương pháp dẫn tới sự thành công, chứ không dứt khoát phải đi qua chương trình học. Tuy nhiên, khi chúng ta đi học, chúng ta còn học cách làm người nữa. Cho nên, tôi nghĩ bước đường đi học rất quan trọng, giúp chúng ta biết cách ngoại giao, cách làm việc, cách suy nghĩ. Nếu chúng ta theo khuôn mẫu tạo thành công qua học vấn hay quản trị thì đó cũng chỉ là những cái giới hạn thôi. Thành công đối với tôi là đạt được những cái mà mình muốn giúp ích cho xã hội.

Trà Mi: Người Việt tại Mỹ có rất nhiều gương thành công, thành danh mà câu chuyện của tiến sĩ Khiêm đóng góp một phần trong đó. Ông có cảm nghĩ thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi biết chắc là người Việt của chúng ta có rất nhiều người thành công. Có một chút đóng góp, tôi cũng cảm thấy rất hãnh diện và cảm thấy rất vui. Người Mỹ đã mở những cánh tay rất rộng đối với tôi, cho tôi những cơ hội này. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Môi trường tại Mỹ giúp chúng ta đạt được những thành công cao hơn. Ví dụ như ở Việt Nam có một hạn chế là những người đảng viên hay con cái của đảng viên mới được nắm giữ những chức vụ quan trọng. Điều này hạn chế số người thành công rất ít. Môi trường làm việc ở Mỹ mở rộng hoàn toàn, đào tạo ra rất nhiều người thành công và mọi người cảm thấy thoải mái. Đó là một chất kích thích giúp nước Mỹ này thành công. Theo tôi, chúng ta nên mở rộng cánh cửa cơ hội cho mọi người, nên sử dụng những người có khả năng. Như cách làm việc của người Mỹ ở đây, tôi cảm thấy rất thoải mái.

Trà Mi: Tiến sĩ vừa nói tới ‘chất kích thích’ mà xã hội Mỹ giúp các cá nhân trong xã hội có được cơ hội thành công hơn, tức là mọi người có nhiều cơ hội đa dạng khác nhau. Còn về ‘chất kích thích’ giúp cho một nhà khoa học có nhiều bằng phát minh sáng chế như tiến sĩ đây là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chất kích thích đó là mình phải có sự đam mê tìm kiếm những điều mới lạ trong công việc. Có một số người chỉ vui vẻ làm công việc cho xong. Có những người muốn giải quyết công việc xong rồi mới về nhà. Làm khoa học đòi hỏi phải có sự đam mê. Chất kích thích đối với tôi là tìm ra phương pháp mới. Thời tôi còn đi học chương trình tiến sĩ ở đại học Purdue, có một bài toán nan giải trong luận án của tôi. Hằng đêm, trước khi đi ngủ và trong giấc ngủ của tôi, tôi cứ mãi suy nghĩ về bài toán đó. Tôi tìm ra lời giải khoảng 2-3 giờ sáng và ngồi dậy viết lên giấy. Khi tôi làm cho công ty Hughes, có một số bài toán khó, tôi đã bỏ 6 tháng trời để tìm ra lời giải hầu đưa tất cả hệ thống truyền thông kết hợp lại với nhau.

Trà Mi: Nếu có một lời khuyên đối với giới trẻ từ câu chuyện thành công của mình, tiến sĩ sẽ nói gì?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Đầu tiên, nói về phương pháp để thành công, chúng ta cần phải giữ một tư cách đàng hoàng, một thiện chí làm việc, và cố gắng trau giồi kiến thức. Những người xung quanh thấy mình có khả năng, họ sẽ đưa mình vào một vai trò làm việc thăng tiến hơn. Người Mỹ có câu vai trò quản trị là vai trò của sự tin tưởng. Mình tạo sự tin tưởng qua những việc mình làm, tư cách làm việc, và thiện chí làm việc của mình. Họ thấy mình có thể làm việc được, họ sẽ cho mình những cơ hội. Nếu những người xung quanh không mở cánh cửa cho chúng ta đi, chúng ta không thể vào vườn hoa xinh đẹp nào cả. Thứ nhì, mình phải tìm mục đích, hướng đi, và những người cộng tác để cùng làm việc và chia sẻ những thành quả với nhau. Có những người làm việc chung cố dấu những ý nghĩ của họ để giữ phần thưởng riêng cho họ. Những điều đó sẽ trở nên rất tầm thường và không vui. Phải nên thích làm việc với những người cộng tác xung quanh mình.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Khiêm đã dành cho Tạp chí Thanh Niên của đài VOA cuộc trao đổi này.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Cảm ơn quý vị thính giả đã theo dõi.
 
Tạp chí Thanh Niên vừa gửi đến quý vị và các bạn cuộc trao đổi với tiến sĩ Cai Văn Khiêm về gương thành công đáng nể của một khoa học gia người Việt tại Mỹ. 
Các bạn có ý kiến muốn đóng góp hay chia sẻ với tiến sĩ Khiêm, xin vui lòng gửi vào mục Ý kiến ngay bên dưới bài đăng trên trang nhà voatiengviet.com. Trà Mi xin chân thành cảm ơn quý vị mong được đón tiếp quý vị trong các câu chuyện hằng tuần trên Tạp chí Thanh Niên buổi phát thanh 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật của đài VOA.

0 nhận xét:

Post a Comment