Jul 3, 2012

Tôi Đã Dừng Lại ..Còn Bạn




Thêm một câu chuyện để nghiền ngẫm, để chiêm nghiệm ... cùng thưởng thức nhé! 
   
Tôi đã dừng lại, còn bạn?
 
Sư trưởng Tanzan và Ekido đến bờ suối thì gặp một cô gái xinh đẹp đang e ngại không dám băng qua. Tanzan vô tư bế cô gái qua suối rồi hai người tiếp tục hành trình. Một giờ, hai giờ, ba giờ.. trôi qua trong im lặng… không thể chịu được, Ekido hỏi: “Sư sãi không được gần đàn bà, sao huynh làm vậy?”. Tanzan đáp “Đàn bà nào? Ta đã thả cô ta xuống lâu rồi, sao đệ còn giữ nàng?” (1)
Trên đây là một trong những mẩu truyện thiền hay nhất mà tôi tình cờ nghe được trong một lần kiếm tìm sự bình an, thanh thản cho tâm hồn. Lúc đó, tôi nghiệm rằng lâu nay mình sống với quá khứ và tương lai quá nhiều. Tâm mình lúc thì bận bịu với những kinh nghiệm khổ đau trong quá khứ, những thất bại, những lời chỉ trích, phán xét tiêu cực của người xung quanh. Tâm mình lúc thì vướng vào những ảo ảnh vui sướng trong tương lai, rồi đâm ra lo lắng, sợ hãi cho những gì có thể xảy đến không theo ý mình. Khi tâm còn vướng vào những thứ ấy, thật khó mà hòa hợp với hiện tại, thật khó để tới ý tưởng giải pháp, thật khó mà khai mở các năng lực tiềm tàng trong ta. Chúng ta bị trói buộc bởi chính kinh nghiệm của mình trong quá khứ, chúng ta bị giới hạn bởi bức tường lo lắng cho tương lai.
Một cậu bé có thói quen cho cá ăn ở góc bể. Mỗi khi nhìn thức ăn rơi xuống, con cá gần đó lao tới và đớp lấy mồi rồi bơi đi ngay. Một lần bé có ý tưởng đùa nghịch, bé đặt tấm kính thủy tinh chặn ở góc bể. Ngay khi thức ăn được thả xuống, con cá kia lao tới và đâm sầm vào tấm kính. Cá không hiểu tại sao và cứ cố gắng thử tiếp vài lần nữa, cuối cùng nó bỏ cuộc trong đau đớn. Hôm sau, bé bỏ tấm kính đi và thả thức ăn xuống. Nhưng lạ thay, con cá kia không màng đến mà vẫn cứ bơi. Trong khi đó, một con cá khác từ xa lao tới đớp lấy mồi, rồi bơi đi. Sau vài ngày, con cá kia chết. Hãy nghĩ xem con cá chết, nó không bao giờ chết vì đói, mà là vì chính kinh nghiệm đau khổ mà nó đã trải qua. (2) 
 
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều trường hợp kinh nghiệm hạn chế các cơ hội đến. Một chàng thanh niên được mời đi dự buổi hội thảo giới thiệu sách mới về thành công, với những kinh nghiệm thất bại trong quá khứ, anh ta than thở “Ôi, tất cả đều là lý thuyết ấy mà!”. Trong khi đó cậu bạn đi cùng anh ta đã đến, và cuốn sách đã khiến cậu đổi đời và thành đạt. Còn chàng thanh niên kia mải mê kiếm tìm những thứ mà anh ta cho là “thực tế”. Một cô nàng lãng tránh một người bạn cũ khi vừa gặp lại, cô quyết không cho anh ta cơ hội nói chuyện, vì cô cho rằng anh ta là một người vô vị nhạt nhẽo như những lần đầu gặp mặt. Cô không biết rằng anh đã có một gia đình hạnh phúc, đã trở thành một tác giả viết sách nổi tiếng, giúp biết bao người hàn gắn các mối quan hệ và cải thiện tình hình tài chính của mình. Còn cô nàng thì vẫn đắm chìm với vấn đề tiền bạc, tình duyên thật nhức nhối.
Thực tế là chúng ta hầu như không bao giờ nhìn nhận được thực tế. Tất cả những gì bạn đang nhìn thấy bằng mắt không phản ánh hoàn toàn sự thực. Gặp lại một người bạn hôm nay chưa chắc anh ta đã giống ngày hôm qua, ấy vậy mà khi được hỏi anh ta là người thế nào, bạn có thể sẽ kể rất chi tiết như đi guốc trong bụng anh ta vậy. Kể cả một cái “tôi” ngày hôm nay ít nhiều cũng khác cái “Tôi” ngày hôm qua, thế mà nhiều người có thể tin suốt đời vào những cái nhãn tiêu cực “Tôi lười biếng, Tôi không thông minh, Tôi không đủ khả năng” được gán từ lâu rồi. Để rồi lầm tưởng rằng khóa khứ đã vậy, thì hiện tại tương lai cũng khó khác được. Sở dĩ như vậy là vì có một lăng kính vô hình ngăn giữa ta và sự vật, hiện tượng. Lăng kính đó được xây dựng bởi thái độ sống, được hình thành bởi những trải nghiệm trong khóa khứ. Mỗi người có quan điểm, trải nghiệm khác nhau nên lăng kính cũng sẽ mờ đục khác nhau. Điều mà chúng ta nhìn thấy là ảnh của sự vật hiện tượng kèm với các cảm xúc xen lẫn, đôi khi trái ngược nhau.
Ekido còn mắc vào pháp, còn mắc vào luật nên chỉ nhìn thấy hành động của sư trưởng Tanzan là phạm giới. Và cứ đắn đo suy nghĩ mãi về cô gái xinh đẹp, nghi ngờ về vị sư huynh đáng kính của mình, mà quên mất bản thân mình đang không còn duy trì chánh niệm, đi trong im lặng nhưng tâm thì không yên. Còn con cá đã từng bị đau khổ chỉ nhìn thấy sự đau đớn khi tiến đến con mồi, con cá khác thì thấy sự sung sướng khi được đớp miếng mồi ngon. Chàng trai sợ “lý thuyết” kia do các thất bại khi không hiểu sâu, áp dụng sai lầm đã hình thành niềm tin “Tất cả những sách nói về thành công đều là lý thuyết” mà quên mất một sự thật là chúng được đúc rút, được chứng nghiệm bởi những người đã thành đạt thực sự. Còn cô gái thì nhìn người bạn cũ, cô chỉ thấy những cảm giác khó chịu, cô nhớ lại những lời nói nhạt nhẽo, hành động thô kệch của anh chàng, chứ không nhìn được sự đổi thay kỳ diệu ở bên trong chàng trai đã chuyển hóa anh ta. 
 
Đối với những người còn đang giữ lấy lăng kính tiêu cực, còn suy nghĩ theo những lề lối thói quen cũ kỹ, còn giữ mãi những kinh nghiệm đau khổ, còn óc phân biệt đánh giá, còn phản ứng mạnh mẽ với tình huống bên ngoài, thì đó chính là giới hạn lớn nhất mà họ đã tự đặt ra cho bản thân. Có thể giới hạn đó sẽ tạm thời giúp họ trốn vào “vùng an toàn” chật hẹp của mình, nhưng đồng thời nó cũng sẽ dập tắt mọi cơ hội tốt đẹp đang đến. Để hiểu được chân lý này, bản thân tôi cũng phải trả giá là một khoảng thời gian dài đeo lăng kính mờ đục kia trong đau khổ. Cái nhìn lẫn lộn giữa khóa khứ, tương lai khiến ta chạy đua với hàng ngàn dòng suy nghĩ – có vui, có buồn, có lo lắng, có sợ hãi – nó khiến ta không có thời gian dừng lại để quan sát bản thân. Giờ đây lăng kính của hiện tại giúp tôi nhìn thấy thật rõ ràng những bài học từ khóa khứ, những kinh nghiệm hạn chế mình, giúp tôi nhìn thấy những mối lo âu, bận tâm không cần thiết, giúp tôi tiết kiệm được thời gian, năng lượng của mình. Tôi thấy luôn tràn trề sức sống, không ngừng sáng tạo, giúp ích cho đời, cho người. Tôi đã dừng lại, dừng lại để thay một lăng kính khác tinh khiết hơn, trong sáng hơn, để có thể mở lòng, đón nhận những điều mới mẻ, những cơ hội thú vị trong cuộc sống. Tôi đã dừng lại, còn bạn?

Chú thích:
(1) Đây là một trong những mẩu truyện thiền nổi tiếng nhất về thiền sư Tanzan ở Nhật Bản, có thể tìm thấy trong các cuốn sách thiền định, hoặc trên wiki.
(2) Một câu chuyện mình lược dịch trong tác phẩm “Self-Managing Leadership” – “Thuật lãnh đạo và quản lý bản thân” (Brahma Kumaris)

Sưu tầm

Trần Ðức (MDC 68-75) sưu tầm


0 nhận xét:

Post a Comment